GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí
Sếp nghỉ hưu, nhân viên khóc cả tháng
Phóng viên: Cuộc chia tay cảm động về nghỉ hưu của ông đầu tháng 10/2017 với cán bộ công nhân viên, bệnh nhân của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương chắc hẳn là một trong những đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông. Giờ đây ngồi nghĩ lại, cảm xúc của ông đã lắng dịu chưa?
GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương: Có người nói với tôi rằng, cuộc chuyển giao thế hệ ấy là cuộc chuyển giao văn minh nhất trong cuộc đời làm tổ chức cán bộ của họ. Tôi may mắn được yêu mến, kính trọng chắc hẳn cũng có lý do.
Một người mà cứ tư túi, chỉ nghĩ đến việc riêng của mình thì làm sao anh em quý trọng được, bạn có công nhận không? Mặc dù về hưu thì người ta đến tặng hoa, nhưng trong bụng thì người ta chỉ mong ông về nhanh cho rồi. Tôi nghỉ hưu, cán bộ công nhân viên, bệnh nhân khóc. Thực ra hình ảnh mọi người nhìn thấy chỉ là đoạn cuối của cuộc chia tay.
Cuộc chia tay đã bắt đầu từ trước đó?
Cả một tháng trước khi tôi có quyết định nghỉ hưu, anh em trong Viện đã khóc. Đứa nào vào phòng làm việc với anh một lúc rồi cũng chảy nước mắt. Không chỉ là con gái mau nước mắt, những người đàn ông có tuổi rồi cũng ôm tôi khóc hu hu. Cậu lái xe của tôi khi đưa tôi về hôm nghỉ hưu cũng khóc đến rung cả tay lái, tôi ngồi đằng sau mà không dám nhìn vào mắt cậu ấy, sợ cả hai cùng khóc. Cô văn thư đưa tôi cái công văn của Bộ quyết định việc tôi về hưu cũng khóc nức nở.
Buổi chào cờ cuối cùng của ông ở Viện với tư cách Viện trưởng đến giờ vẫn là một hình ảnh cực kỳ đẹp?
Sáng thứ 2 nào Viện cũng tổ chức lễ chào cờ ở sân viện. Hôm đó tôi đến dự lễ chào cờ cuối cùng với tư cách là Viện trưởng. Suốt đêm hôm trước tôi nằm nghĩ, mình phải nói thế nào, phát biểu thế nào cho đơn giản mà ý nghĩa. Tôi chỉ đề nghị mọi người hô một câu của Bác Hồ.
Tôi hô “Đoàn kết, đoàn kết”, mọi người hô “Đại đoàn kết”. Tôi lại hô “Thành công, thành công”, mọi người hô “Đại thành công”. Chỉ đơn giản như thế. Tôi gửi gắm trong đó thông điệp lớn lao là những người ở lại phải đoàn kết. Sự đoàn kết tôi đã gây dựng suốt bao năm trời, rồi sẽ cho thành công.
Là giáo sư, anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân… ông có quyền được làm việc thêm, vì sao ông lại nghỉ hưu đúng tuổi?
Tôi là người luôn làm đúng các quy định và không bao giờ làm phiền đến ai cả. Mặc dù tôi có tiêu chuẩn để được ở lại tiếp tục công tác, nhưng tôi không xin. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ các thế hệ kế cận rồi, từ các vị trí lãnh đạo đến các nhà khoa học trong Viện. Tôi hoàn toàn yên tâm rằng dù mình có nghỉ, công việc vẫn cứ trôi chảy. Dù nghỉ, mình vẫn tiếp tục cống hiến được.
Điều gì trong hành trình đã qua làm ông hài lòng nhất?
Tôi hài lòng tất cả, những hoạt động chuyên môn về vận động hiến máu, truyền máu, về sàng lọc điều trị cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh, bệnh máu khó đông, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học hay sự bùng nổ trong hợp tác quốc tế của viện.
Nhưng điều tôi hài lòng nhất là xây dựng được một văn hóa riêng có của Viện, đó là chào hỏi người bệnh, người nhà, văn hóa từ khi đi thang máy hay chào cờ nghiêm trang mỗi sáng thứ hai. Tôi dạy cán bộ công nhân viên từ cách bắt tay, cách thắt cà vạt, cách đi ăn buffer (tiệc đứng)… Tôi đã gây dựng ra một tập thể đoàn kết, văn hóa, kỷ luật.
Ai đem tiền lên phòng tôi là trượt
Có được sự yêu thương, ngưỡng mộ, tin tưởng của một tập thể với hàng nghìn con người, ông có bí quyết nào trong quản lý?
Chắc có lẽ là sự nghiêm minh nhưng có tình, có lý. Làm thế nào để người ta cảm thấy nể phục cho dù bị phê bình, nhắc nhở, thậm chí là đuổi việc. Khi xảy ra một sự cố như trộm cắp, đánh bạc, đi sớm về muộn, tráo thuốc của bệnh nhân… tôi đều xử lý làm sao cho có tình có lý, có trách nhiệm với từng người
Tự tay tuyển dụng gần nghìn nhân viên, bổ nhiệm cũng vài chục người ở các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong Viện, ông làm thế nào để không có “điều tiếng”?
Đơn giản là mình làm bằng sự công tâm, khách quan. Tôi không bao giờ cầm một đồng xu nào của bất cứ ai trong việc tuyển dụng hay bổ nhiệm. Tôi vẫn nói thẳng với mọi người trong Viện, ai đem tiền lên phòng tôi là sẽ trượt.
Dù bên ngoài tôi nghe người ta nói một “suất” viện phó phải nửa tỉ, một suất nhân viên quèn cũng vài chục triệu đồng. Ở trong Viện tôi thì tuyệt nhiên không bao giờ có điều tiếng gì, là bởi tôi tự hào mà nói rằng tôi chưa bao giờ nhận đồng tiền nào để cất nhắc hay tuyển dụng.
Phải chăng ông không cần tiền?
Tiền thì ai chẳng cần, ai chẳng thích. Nhưng tôi không kiếm tiền bằng cách đó. Làm như thế nó hỏng người đi. Cầm đồng tiền ấy thì còn ai người ta nể phục mình, ai kính trọng mình nữa. Trong Viện trước đây có trường hợp một nhân viên đổi thuốc của bệnh nhân, bị kỷ luật cho nghỉ việc.
Nhân viên ấy cũng rất tâm phục, buộc phải nghỉ vì mình đã làm sai. Sau đó một thời gian, người ấy đem một cục tiền đến phòng tôi bảo xin được đi làm lại. Tôi bảo, bây giờ làm sao mà có thể nhìn mặt đồng nghiệp được nữa. Còn tiền thì đem về đi, nếu không tôi gọi công an đến đấy.
Ông nghĩ điều gì là quan trọng nhất trong việc ông có được tình cảm đặc biệt của các cán bộ dưới quyền mình?
Đó chính là trách nhiệm với họ. Đó là trách nhiệm ở nghĩa rộng, từ thương yêu, che chở, chăm lo đến phê bình, kỷ luật, thậm chí là đuổi việc. Mình làm mọi việc có trách nhiệm.
Khi phê bình, tôi rất quyết liệt nhưng không mạt sát, chửi bới. Không thiên vị yêu ghét mà công tư rõ ràng. Một người có thể vừa hôm qua bị tôi phê bình nặng nề, hôm sau tôi đã có thể tạo điều kiện cho người đó được đi nước ngoài. Tôi gần như không ghét ai cả.
Tôi còn nhiều việc phải làm
Từ lúc nghỉ hưu, ông cảm thấy thế nào?
Tôi còn bận hơn cả trước. Tôi có nhiều việc, nhiều kế hoạch, nhiều đam mê để theo đuổi lắm. Tôi luôn nỗ lực đóng góp sức mình, còn sức còn đóng góp. Để phát biểu 7 phút trên nghị trường Quốc hội, tôi phải mất vài đêm nghiên cứu tài liệu. Rồi có biết bao nhiêu công việc khác đang chờ tôi nữa.
Những điều gì ông dự định làm sắp tới đây?
Tôi còn rất nhiều dự định, mà dự định thứ nhất là làm đại biểu Quốc hội cho tròn vai, gần dân hơn. Quốc hội với tôi cũng như một trường học lớn. Thứ hai là tôi cần hỗ trợ, cố vấn cho con trai hiện đang điều hành một bệnh viện có 850 cán bộ nhân viên.
Thứ ba là thực hiện ý tưởng đang dần hoàn thiện là xây dựng một trung tâm và là công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, hiện đã có hàng ngàn giáo sư gửi gắm tâm huyết và tư liệu vào đó. Tôi còn có dự định làm những tác phẩm âm nhạc, giờ có thời gian tôi làm lớn đấy!
Xin chúc ông luôn nhiều sức khỏe để tiếp tục đóng góp!
Tô Hội (thực hiện)
Box
GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí có 238 bài báo khoa học đăng ở trong và ngoài nước, viết 18 đầu sách, hướng dẫn được 28 tiến sỹ và bác sỹ chuyên khoa II, 22 thạc sỹ và bác sỹ nội trú.
Box
“Một nhà khoa học đầu ngành, thông thường khi nghỉ là bên dưới có sự xáo trộn do khoảng cách trình độ của người đầu ngành với những người khác khá xa. Tôi có người bạn đã nghỉ rồi nhưng ngày nào cũng phải vào viện mổ cho bệnh nhân. Tôi bảo, sao anh không nghỉ đi. Bạn bảo, tôi nghỉ thì bệnh nhân chết. Tôi mới ngạc nhiên. Ô hay, thế trong suốt cả chục năm lãnh đạo, anh không đào tạo thế hệ kế cận mình à? Bên Viện tôi không có chuyện ấy. Tôi đã dìu dắt, giáo dục, huấn luyện, đào tạo để nhân viên của mình có thể tiếp quản tốt công việc khi tôi nghỉ. Trước khi nghỉ tôi cũng dặn mọi người, chỉ được phép có 2-3 ngày xáo trộn vì vắng tôi. Ngay sau đó phải vào việc ngay”.