Đủ kiểu ép học sinh không thi vào lớp 10
Những ngày qua, dư luận bức xúc trước vụ việc Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, TPHCM) phát mẫu đơn yêu cầu phụ huynh ký cam kết học sinh không tham gia thi vào lớp 10 năm học 2024-2025.
Theo đó mẫu đơn được giáo viên chủ nhiệm lớp 9 phát cho học sinh có học lực không tốt, yêu cầu đưa phụ huynh ký và cam kết không khiếu nại về sau. Ngay sau khi dư luận phản ứng, Phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn vào cuộc xác minh. Kết quả cho thấy mẫu đơn này do Trường THCS Nguyễn Văn Bứa phát hành.
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa |
UBND huyện Hóc Môn nhận định, trường phát mẫu đơn này là không đúng quy định. Sự việc trên đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, địa phương, gây hoang mang dư luận, nhất là trong thời điểm học sinh đang đăng ký nguyện vọng để chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn đã tổ chức họp chấn chỉnh, kiểm điểm lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cùng cá nhân liên quan. Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Văn Bứa nhận thiếu sót khi gửi cho phụ huynh mẫu đơn trên. Trường này cho biết, năm nay, trường có 80 học sinh lớp 9 không đăng ký thi vào lớp 10 công lập.
Tại Hà Nội, một số phụ huynh lớp 9 Trường THCS Tiến Thịnh tại huyện Mê Linh cũng phản ánh về việc con họ không được phát đơn đăng ký dự thi vào lớp 10 vào thời điểm Sở GD&ĐT quy định. Đáng chú ý, nhà trường không trao đổi, bàn bạc với phụ huynh và học sinh. Đầu tháng 5, khi gia đình mới nhận ra con mình không có tên trong danh sách đăng ký dự thi nên đã đề nghị nhà trường cho con đăng ký dự thi thì nhà trường cho biết tất cả cổng đăng ký dự thi vào lớp 10 đã đóng.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, chủ nhiệm lớp 9B, Trường THCS Tiến Thịnh cho biết, kết quả học tập thấp, khả năng thi tuyển vào lớp 10 rất khó nên đã phân tích, định hướng cho các con đăng ký vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Trước sự việc trên, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu đơn vị có liên quan xác minh, làm rõ sự việc việc này và sẽ có chỉ đạo cụ thể.
Tại Nghệ An, phụ huynh trường THCS Tiến Thiết và THCS Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) phản ánh về việc con họ không được đi ôn thi từ lớp 9 lên lớp 10. Những em học sinh này dưới mức điểm nhà trường đưa ra qua 2 đợt khảo sát thi môn toán, văn, ngoại ngữ. Sở GD&ĐT Nghệ An ngay sau đó đã gửi công văn đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, chỉ đạo phòng GD&ĐT thực hiện đúng chủ trương phân luồng, tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh. Học sinh từ lớp 9 đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đều có quyền được tham dự kỳ thi vào lớp 10.
Được biết, năm nay, hoảng 23.000 thí sinh không thi vào lớp 10 tại Hà Nội, con số này ở TPHCM là hơn 16.000 học sinh.
Những vụ việc trên khiến dư luận đặt câu hỏi: Ép học sinh không thi vào lớp 10 là do học lực yếu, định hướng phân luồng hay bệnh thành tích tái diễn?
Bệnh thành tích trong giáo dục
PGS.TS Lâm Bá Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) nêu ý kiến về thực trạng trên khi trao đổi với Tri thức và Cuộc sống cho rằng, việc ép học sinh không thi vào lớp 10 là câu chuyện lạ trong ngành giáo dục. Dù việc các trường THCS bằng nhiều hình thức khác nhau yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực chưa tốt không được dự thi lớp 10 đã diễn ra trong nhiều năm qua, gây bức xúc.
Theo PGS.TS Lâm Bá Nam, việc ép học sinh không thi lớp 10 không được phép để xảy ra. Việc ép học sinh không được dự thi vào lớp 10 còn vi phạm Luật Giáo dục, vi phạm quyền con người. Bởi theo quy định, học sinh tốt nghiệp THCS được quyền tham gia tuyển sinh vào lớp 10 THPT, khi các em đủ điều kiện, có nguyện vọng, không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi.
Phân tích nguyên nhân, PGS.TS Lâm Bá Nam cho biết, hiện tượng này liên quan bệnh thành tích trong các trường học. Dạy học trò là dạy chữ, nhân cách chứ không phải chạy theo thành tích. Đây là hiện tượng có một không hai trên thế giới. Ai cũng từng đi học, ai cũng có quyền thi vào các trường học nếu đủ điều kiện, còn thi được hay không lại do khả năng của học sinh.
Việc các trường cấm, vận động không đăng ký thi vào lớp 10 chỉ vì thành tích của nhà trường là phản giáo dục. Bệnh thành tích cản trở sự phát triển của giáo dục, cản trở sự phát triển của học sinh, điều này không thể chấp nhận được. Nếu ở đâu để xảy ra hiện tượng như vậy, phụ huynh sẽ phản ứng, xã hội sẽ lên án. Thậm chí nếu có điều tra cụ thể, ngay cả các thầy cô giáo, những người trực tiếp giảng dạy cũng không đồng tình về việc này.
Do đó, các cơ quan quản lý giáo dục từ Bộ GD&ĐT cho đến các Sở GD&ĐT địa phương cần phải vào cuộc, chấn chỉnh các hành động không đúng, chủ trương không phù hợp với xu hướng phát triển ngày hôm nay. Nếu chỉ vì bệnh thành tích mà ngăn cản sự phát triển của các thế hệ học sinh là không thể chấp nhận được.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video GS.TS Hoàng Văn Cường chia sẻ về hai đòn bẩy cho giáo dục đại học.
.