Nghiên cứu do PGS Trần Đăng Xuân,Trưởng phòng Thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) và cộng sự công bố trên tạp chí quốc tế Agronomy. Thông thường để tạo một giống lúa chịu mặn nhưng vẫn năng suất sẽ phải chọn lọc một vài cá thể từ vô vàn các con, kết quả từ sự tương tác gene lớn của các cặp lai. Cách này khiến cho quá trình chọn tạo giống lúa mới mất rất nhiều thời gian và công sức, nhiều khi lên tới cả chục năm, với tỷ lệ thành công thấp. Nghiên cứu mới đã khắc phục được những khó khăn này bằng cách đi ngược với cách thông thường, thay vì chọn theo dòng bố, "bắt" di truyền theo dòng mẹ và đặc biệt không tạo nên sự phân ly trong con lai.
Để thực hiện, nhóm nghiên cứu đã chọn 12 chỉ thị phân tử đa hình liên quan đến khả năng chống mặn trên đoạn nhiễm sắc thể của cây lúa. Các chỉ thị phân tử khác về năng suất, chất lượng và chống chịu bệnh cũng được lựa chọn. Sử dụng phương pháp đột biến hô hấp với giống chịu mặn được chọn làm giống mẹ. Kết quả cho thấy ở thế hệ con lai M2 và M3 hoàn toàn không phân ly và di truyền theo dòng mẹ. Vì vậy, việc lai tạo thành công giống lúa chịu mặn chỉ cần đến 3 đời (M1, M2 và M3, nhanh hơn nhiều so với phương pháp lai tạo thông thường), tính trạng thơm, dẻo của gạo được duy trì, nâng cao chất lượng của giống lúa chịu mặn.