<div> <figure class="image align-center"><img alt="Giới khoa học phát hiện tử huyệt của SARS-CoV-2 - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/16/icdn-dantri-com-vn_covid-1621131702676.jpg" title="Giới khoa học phát hiện tử huyệt của SARS-CoV-2 - 1" /> <figcaption>Các nhà khoa học đã phát hiện ra điểm yếu có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa: Getty).</figcaption> </figure> <p>Các nhà nghiên cứu của Viện công nghệ ETH Zurich của Thụy Sĩ mới đây đã có phát hiện quan trọng về điểm yếu của virus SARS-CoV-2. Theo đó, quá trình nhân lên của virus SARS-CoV-2 trong các tế bào nhiễm bệnh sẽ giảm đáng kể nếu quá trình sản xuất protein của nó bị gián đoạn.</p> <p>Điều kỳ diệu xuất phát từ "chuyển đổi khung. Nghĩa là, trong quá trình đọc từng bước bản thiết kế từ axit ribonucleic (phân tử polyme cơ bản có nhiều vai trò sinh học trong mã hóa, dịch mã, điều hòa, và biểu hiện của gene - RNA), ribosome (bộ máy sản xuất protein của chính tế bào) đôi khi có thể xảy ra hiện tượng "đếm sai" hoặc xóa bỏ.</p> <p>Điều này hiếm khi xảy ra ở các tế bào khỏe mạnh bởi vì quá trình đọc và sao chép trình tự sai sẽ dẫn đến rối loạn protein. Tuy nhiên, một số virus nhất định như virus corona hoặc HIV dựa vào sự thay đổi như vậy để điều chỉnh quá trình sản xuất protein.</p> <p>Theo nhóm nghiên cứu, virus <span>SARS-CoV-2</span> tạo sự chuyển đổi khung bằng cách nhân RNA của nó lên theo một cách bất thường và phức tạp.</p> <p>"Do vậy, bất cứ hợp chất nào ức chế chuyển đổi khung bằng cách nhắm vào quá trình nhân lên RNA của virus cũng có thể trở thành thuốc hữu ích để ngăn sự lây nhiễm", các nhà khoa học Thụy Sĩ cho biết.</p> <p>Đến nay vẫn còn rất ít thông tin chính xác về sự tương tác của RNA với ribosome của tế bào chủ bị nhiễm bệnh trong quá trình chuyển đổi khung. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ và Ireland đã thành công trong việc quan sát này.</p> <p>Khám phá trên được các nhà nghiên cứu gọi là "gót chân Asin" của tế bào SARS-CoV-2 và có thể giúp ích cho việc phát triển các loại thuốc kháng virus hoặc điều trị.</p> <p>Hiện các nhà khoa học đã tìm ra hai hợp chất có thể ức chế sự nhân lên của virus từ 1.000 đến 10.000 lần mà không gây độc cho tế bào đang được điều trị. Hợp chất này tuy chưa đủ mạnh để sử dụng làm thuốc điều trị nhưng nghiên cứu trên được kỳ vọng sẽ mở đường cho sự phát triển các hợp chất mạnh hơn trong tương lai.</p> <p>Virus SARS-CoV-2 gây dịch <span>Covid-19</span> được phát hiện đầu tiên trong các ca nhiễm bệnh ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cuối năm 2019. Covid-19 đã nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu với hơn 160 triệu ca mắc, hơn 3,3 triệu người đã tử vong tính đến nay.</p> <p>Nguồn gốc của virus gây <span>đại dịch Covid-19</span> đến nay vẫn là vấn đề đau đầu với giới khoa học. Sau chuyến điều tra ở Vũ Hán hồi đầu năm, các chuyên gia quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu đã đưa ra báo cáo trong đó nêu 4 giả thuyết chính về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Báo cáo cho biết, virus "nhiều khả năng" lây sang người từ một động vật trung gian là một động vật hoang dã bị bắt và nuôi trong trang trại. Mặt khác, các chuyên gia đánh giá giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm "rất khó xảy ra".</p> <p><br /> Theo <em>Swissinfo</em></p> </div> <p> </p>