Sau một ngày xảy ra vụ cháy nhà kho Công ty cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, ngày 29/8, UBND quận Thanh Xuân ra công văn khuyến cáo người dân, trong đó có các biện pháp đề phòng và bảo vệ sức khỏe.
Ngày 30/8, lãnh đạo quận túc trực cùng phường, đốc thúc quá trình thực hiện các biện pháp trong công văn khuyến cáo. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đích thân xuống hiện trường, nắm tình hình sức khỏe nhân dân, chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc với Công ty Rạng Đông.
Ông cũng là người chủ động đề nghị phối hợp cùng Viện Sức khỏe và Môi trường (Bộ Y tế), Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng như bước đầu “cậy nhờ” Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng) để tiến hành quan trắc, phân tích tổng hợp dữ liệu, sớm lên phương án xử lý trước mắt lẫn lâu dài.
Ngày 31/8, trong đoàn khảo sát của Tổng cục Môi trường, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đều cùng đeo mặt nạ phòng độc tiếp cận sâu hiện trường.
Ngay trong ngày lễ Độc lập, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhận trách nhiệm về việc chậm di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trụ sở cơ quan nhà nước… ra ngoại thành cũng như thực tế sau di dời, thay vì đất “sạch” để thực hiện các công trình công cộng thì đa phần lại xây dựng chung cư cao tầng. Ông cam kết sẽ chấn chỉnh triệt để, thúc đẩy nhanh tiến trình di dời, sớm báo cáo trước nhân dân.
Hẳn nhiên, tôi đang là… người bệnh tưởng.
Vụ cháy công ty Rạng Đông đã làm lộ ra tư duy và cách thức quản lý của nhiều cấp lãnh đạo ở Hà Nội. |
Và nếu Molière có sống lại, sang Việt Nam, ghé Hà Nội, xuống Rạng Đông, ông cũng không thể hài hước hơn mà nghĩ ra cái trò chơi “đố vui có thưởng”: công văn Hạ Đình ra đúng hay sai quy trình? Thư xin lỗi của Tổng giám đốc Rạng Đông là đã quá cầu thị? Bóng đèn Rạng Đông làm từ nguyên liệu amalgam hay thủy ngân lỏng? Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đúng hay mấy cái cơ quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng sai?
Còn sức khỏe của người dân, môi trường sống của con người trước nguy cơ ngộ độc cấp tính hay nguy cơ ngộ độc mạn tính trong một vụ cháy có hóa chất lại không nằm trong đáp án, kể cả đáp án… trù bị.
Còn nhớ, hồi mùa hè, sau tờ hóa đơn tiền điện đổ lửa, người dân đứng ngồi không yên với thang giá điện mới. Sau khi báo chí lên tiếng, chuyên gia lý giải, “cha đẻ” của ngành điện - Bộ Công thương đáp trả bằng lời khẳng định tất cả đều đã được tính đúng, đúng quy định, đúng quy trình, đúng thời điểm. Kèm theo đó là kiến nghị “xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về điều chỉnh giá điện”.
Và bây giờ, sau 10 ngày xảy ra vụ cháy, Rạng Đông cũng đã có tờ xin lỗi nhân dân hai phường Hạ Đình, Thanh Xuân Trung. Còn chính quyền địa phương cùng các đơn vị chức năng - với chức trách quản lý nhà nước về chuyên môn, chuyên ngành vẫn cứ quay cuồng trong mớ đúng sai, ai mới là người đủ thẩm quyền và ai mới được quyền ban bố.
Phản xạ vô điều kiện của một chính quyền - tính từ cấp cơ sở cho đến trung ương - trước mọi sự cố, sự kiện đều hẳn nhiên luôn đặt lên trên, trước hết chính là quyền lợi của người dân, “quyền lực nhân dân”. Không thể khác.
Cái vô trách nhiệm tàn bạo nhất ở một người lãnh đạo, một nhóm đại diện chính quyền chính là luôn cuống cuồng, phô diễn một thứ trách nhiệm về mình, từ mình, cho mình mà để mặc nhân dân đang ngụp lặn trong khốn khó, sợ hãi, hoài nghi.
Sáng 10/9, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý hậu quả vụ cháy Rạng Đông, đảm bảo an toàn cho người dân.
Chiều 10/9, kết quả quan trắc ở Rạng Đông biến mất khỏi website của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Giờ thì không chỉ người dân Thanh Xuân Trung, Hạ Đình hoang mang, lo sợ.
Giờ thì không chỉ mỗi hóa chất thủy ngân lan nhanh trong không khí, trong đất, trong nước…