Không có sự thống nhất giờ làm việc
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức. Phương án đầu tiên là bổ sung vào Bộ Luật này quy định: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước". Thời gian làm việc dự kiến từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút. Phương án hai, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không nêu trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính. Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, các địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
Theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), nhiều cơ quan tổ chức nước ngoài ở Việt Nam đang làm việc từ 9h nên đề xuất giờ làm việc của các cơ quan hành chính buổi sáng từ 8h30 để hội nhập; còn đề xuất một giờ thống nhất là để liên thông từ trung ương tới địa phương. Hiện nay không có sự thống nhất giờ làm việc trên toàn quốc, các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8h, trong khi đa số địa phương bắt đầu từ 7h vào mùa hè hoặc 7h30 vào mùa đông, không thuận lợi cho người dân đi giải quyết thủ tục hành chính.
PGS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, vấn đề đổi giờ làm đã được nói đến nhiều trong các hội thảo, tuy nhiên chưa có được sự thống nhất về việc thay đổi này do nhiều nguyên nhân. Thay đổi giờ làm sẽ hội nhập tốt hơn, làm việc với các tổ chức quốc tế cũng thuận lợi hơn. Nhưng thực tiễn ở Việt Nam, điều kiện khí hậu thời tiết khác hẳn ở Châu Âu. Giờ làm hiện tại của chúng ta đã được tính toán dựa trên khí hậu, lịch sinh hoạt nói chung. Người Việt Nam thường không có thói quen ngủ dậy muộn do thời tiết có khi 6-7h đã nắng rồi. Lùi giờ làm đến 8h30 thì cán bộ công chức biết làm gì mấy tiếng rảnh rỗi ấy.
Hơn nữa, lịch học của các nhà trường không thay đổi thì sau khi đưa con đến trường, cha mẹ sẽ không biết làm gì để lấp vào khoảng trống thời gian đó. Thay đổi giờ như vậy sẽ làm xáo trộn rất lớn lịch sinh hoạt của hàng triệu cán bộ công chức.
Đừng áp dụng máy móc
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hoá - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, chúng ta không nên áp dụng máy móc mô hình của các nước khác với lý do hội nhập. “Đất nước mình trải dài từ Bắc vào Nam. Miền Bắc có mùa đông lạnh, miền Nam thì nắng nóng. Việc áp dụng một khung giờ cứng nhắc cho cả nước là không hợp lý, không tạo ra năng suất lao động cao. Nên có một quy định chung, sau đó giao cho từng vùng tự quyết định giờ làm dựa trên đặc điểm của địa phương mình.
Ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Việt Nam cũng cho rằng thời gian làm việc bắt đầu từ 7h30 hoặc 8h là hợp lý, nếu bắt đầu từ 7h là quá sớm, sẽ vất vả đối với các gia đình có con nhỏ hoặc từ 8h30 là quá muộn. Thời gian nghỉ trưa kéo dài 1,5 giờ để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Ngoài ra, ông Thọ đề xuất các cơ quan hành chính đặc thù có thể linh động tùy thuộc công việc, như bộ phận tiếp dân có thể làm việc sớm hơn.