<div> <p><span>Nền kinh tế bước vào năm mới 2020 không mấy thuận lợi do diễn biến của dịch Covid-19 lan rộng và “hoành hành” ở nhiều quốc gia. </span></p> <p><span>Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam khó tránh bị ảnh hưởng, trong đó, hàng không được đánh giá là một trong những ngành thiệt hại nặng nề nhất.</span></p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Giật mình với những khoản lỗ “nghìn tỷ” của loạt doanh nghiệp lớn - 1" data-original="https://khds.1cdn.vn/2020/05/04/icdn-dantri-com-vn_thua-lo-1588547887791.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/05/04/icdn-dantri-com-vn_thua-lo-1588547887791.jpg" title="Giật mình với những khoản lỗ “nghìn tỷ” của loạt doanh nghiệp lớn - 1" /> <figcaption> <p><em>Nhiều doanh nghiệp báo lỗ lớn trong 3 tháng đầu năm (minh hoạ: internet)</em></p> </figcaption> </figure> <p><span>Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 của <strong>Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)</strong>, trong 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp này sụt giảm tới 26%, đạt 18.813 tỷ đồng.</span></p> <p><span>Trong khi đó, giá vốn lên tới 19.445 tỷ đồng. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng hàng không quốc gia lỗ gộp 632 tỷ đồng so với mức lãi gộp cùng kỳ là 3.953 tỷ đồng.</span></p> <p><span>Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ trước thuế 2.545 tỷ đồng, lỗ sau thuế trên 2.611 tỷ đồng và lỗ ròng thuộc về công ty mẹ là 2.589 tỷ đồng.</span></p> <p><span>Chưa hết, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines tại thời điểm kết thúc quý đầu năm còn ghi nhận âm tới hơn 3.800 tỷ đồng.</span></p> <p><span>Theo giải trình của lãnh đạo doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2020 giảm mạnh ngoài nguyên nhân liên quan đến giảm lợi nhuận công ty mẹ còn do lợi nhuận sau thuế của các công ty con có liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như VACS, Skypec, Viags,…</span></p> <p><span>Bên cạnh Vietnam Airlines thì <strong>Tập đoàn FLC</strong> (chủ hãng bay Bamboo Airways) cũng là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong quý vừa rồi. Theo đó, mặc dù ghi nhận doanh thu thuần tăng 60% lên 4.768 tỷ đồng, tuy nhiên, giá vốn trong kỳ lên tới 6.215 tỷ đồng đã dẫn đến khoản lỗ gộp gần 1.448 tỷ đồng của FLC.</span></p> <p><span>Giải trình về nội dung này, FLC cho biết, giá vốn tăng mạnh là do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến hoạt động của các ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản của tập đoàn này.</span></p> <p><span>Kết quả, trong quý đầu năm, FLC lỗ trước thuế 1.887 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.892 tỷ đồng và lỗ ròng thuộc về công ty mẹ 1.172 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu sau 8 năm, tập đoàn này phải ghi nhận lỗ quý.</span></p> <p><span>Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực hàng không là <strong>Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS)</strong> cũng vừa báo lỗ trong quý vừa rồi.</span></p> <p><span>Cụ thể, doanh thu thuần của MAS giảm 19% còn gần 44 tỷ đồng, lãi gộp giảm 55% còn hơn 5 tỷ đồng. Công ty lỗ hơn 1 tỷ đồng. Mức thiệt hại này của MAS không quá lớn song điều đáng nói đây là lần đầu tiên mà công ty này báo lỗ kể từ khi niêm yết.</span></p> <p><span>Ngoài khó khăn do Covid-19 thì trong những tháng đầu năm, với diễn biến giảm mạnh của giá dầu thế giới đã “giáng đòn” mạnh đến <strong>Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)</strong>, đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất.</span></p> <p><span>Cụ thể, báo tài tài chính riêng của BSR vừa qua cho thấy, doanh nghiệp này bị lỗ sau thuế 2.332 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 3.000 tỷ đồng.</span></p> <p><span>Một “ông lớn” khác trong ngành dầu khí là <strong>Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil)</strong> cũng ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 537 tỷ đồng, qua đó đưa lỗ luỹ kế đến cuối quý 1 lên gần 1.200 tỷ đồng.</span></p> <p><span><strong>Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)</strong> vẫn đang gia hạn công bố báo cáo tài chính quý 1, tuy nhiên theo ước tính của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì Petrolimex ước lỗ khoảng 572 tỷ đồng, doanh thu giảm mạnh hơn 1.700 tỷ đồng so với cùng kỳ, xuống còn 28.500 tỷ đồng.</span></p> <p><span>Là một “đại gia” trong mảng sản xuất, nông nghiệp, <strong>Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời</strong> quý vừa rồi cũng phải ngậm ngùi báo lỗ gần 37 tỷ đồng (lỗ ròng thuộc về công ty mẹ gần 39 tỷ đồng).</span></p> <p><span>Đây là quý đầu tiên doanh nghiệp này thua lỗ kể từ năm 2007 đến nay trong bối cảnh doanh thu giảm 53% còn 733 tỷ đồng.</span></p> <p><span><strong>Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến</strong> cũng là điển hình cho thấy ảnh hưởng của Covid-19 với sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế có độ mở lớn.</span></p> <p><span>Doanh nghiệp này cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và EU ( đây là thị trường xuất khẩu chủ yếu của May Việt Tiến), các đối tác nhập khẩu tại các nước này đã giảm và hủy số lượng lớn các đơn hàng. Đồng thời, sức mua trong nước cũng giảm, dẫn đến doanh thu thuần quý 1 giảm 15%, xuống còn 1.475 tỷ đồng.</span></p> <p><span>Cộng thêm các khoản chi phí, May Việt Tiến bị lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng trong đó lỗ ròng thuộc về công ty mẹ hơn 22 tỷ đồng.</span></p> <p> </p> </div> <p> </p>