Chỉ số xấu liên tục nhiều ngày
Quan sát biểu đồ chất lượng không khí ở Hà Nội, không ít người dân giật mình bởi trong nhiều ngày nay, chất lượng không khí lúc nào cũng có màu đỏ (báo động ô nhiễm). Nhiều người thậm chí không dám ra khỏi nhà, chỉ ngồi trong phòng và bật máy điều hòa để tránh hít thở phải không khí ô nhiễm. Những chiếc máy lọc không khí cũng được bán chạy hơn. Tại các trang web công bố cập nhật chỉ số không khí theo thời gian thực như quantracmoitruong.gov.vn, moitruongthudo.vn, aqicn.org… tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội mấy ngày gần đây luôn được cập nhật. Theo kết quả quan trắc chất lượng không khí tại hơn 40 điểm đo của Hà Nội từ ngày 14/9 đến nay thì chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-170, thuộc nhóm màu đỏ. Không khí như trên được xếp vào nhóm không tốt cho sức khỏe tất cả mọi người.
Theo kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội vào sáng 16/9, nồng độ bụi PM 2.5 tại Hà Nội ở mức báo động. Điểm đo có chất lượng không khí thấp nhất là Học viện Tài Chính với chỉ số AQI là 179. Các điểm đo ở trung tâm Hà Nội như Bảo Linh (Hoàn Kiếm) là 161, Hàng Trống (Hoàn Kiếm) là 170, Trần Quang Khải là 160. Các điểm đo khác như ngã 6 Ô Chợ Dừa là 164, Thái Hà (Đống Đa) là 155, Ngã Tư Sở là 156.
Theo Cổng thông tin Quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội ngày 17/9, chất lượng không khí còn báo động hơn nữa. Chỉ số AQI lên tới 183 ở điểm Ô Chợ Dừa, Hoàn Kiếm là 118, Thành Công 145, Tân Mai 101, Kim Liên 110, Phạm Văn Đồng 101, Tây Mỗ 108, Mỹ Đình 124, Hàng Đậu 153, Minh Khai 161, Chi Cục Bảo vệ Môi trường 143, tính trung bình cho các điểm đo là 134, là mức ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện Hà Nội có 2 trạm đo chất lượng không khí cố định của Sở TN&MT, 1 trạm cố định của Tổng cục Môi trường và 8 trạm cảm biến đặt ở Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Kim Liên, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng, Thành Công, Tân Mai, Tây Mỗ. 2 trạm quan trắc đặt ở 2 đại sứ quán Mỹ và Pháp.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam cho biết, nhiều ngày nay, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội báo động là bởi có sự tác động của hiện tượng nghịch nhiệt. Không khí bị quẩn dưới mặt đất, các chất ô nhiễm không bay lên được, trong khi các hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp… vẫn diễn ra bình thường. Nếu có gió thổi, các chất ô nhiễm sẽ được phát tán vào không gian làm giảm ô nhiễm ở mặt đất. Thời tiết là tác nhân làm tăng mức độ ô nhiễm không khí chứ không phải nguyên nhân sinh ra ô nhiễm không khí.
EPA (The U.S. Environmental Protection Agency – Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ) tính toán chỉ số AQI tốt là từ 0 đến 50, trung bình là từ 51 đến 100, xấu là từ 151 đến 200, rất xấu là từ 201đến 300 và nguy hại là từ 301 đến 500.
Hạn chế ra ngoài, cập nhật liên tục không khí ô nhiễm
Theo TS Hoàng Dương Tùng, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó khi chất lượng không khí không đảm bảo có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư… Ô nhiễm không khí xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, người dân nên có thói quen cập nhật chất lượng không khí. Nếu thấy không khí ô nhiễm ở mức cao trên 150 AQI thì tốt nhất là ở trong nhà, đặc biệt là người già và trẻ em. Thời gian này, tình trạng bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp tăng đột biến, một phần cũng vì chất lượng không khí đang ô nhiễm nghiêm trọng.
Để ứng phó với không khí ô nhiễm, TS Hoàng Dương Tùng cho biết, khẩu trang y tế, khẩu trang vải chỉ có tác dụng lọc bụi thô chứ không có tác dụng lọc bụi mịn. Chỉ có khẩu trang N95 và một số khẩu trang đặc biệt khác với kết cấu màng siêu lọc mới ngăn được loại bụi min này. Tuy nhiên khẩu trang N95 khá đắt, lên tới vài trăm ngàn đồng/chiếc và đeo vào hơi khó thở nên ít người sử dụng. Điều đáng nói là đánh vào thị hiếu người dùng, hiện trên thị trường có loại khẩu trang N95 rởm có giá vài chục ngàn đồng/chiếc nhưng không lọc được bụi mịn như quảng cáo, mà chỉ lọc được bụi thô như khẩu trang vải thông thường.
Để đối phó với ô nhiễm không khí, ngoài cách hạn chế ra đường vào những thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng, người dân cũng có thể dùng các loại khẩu trang như khẩu trang than hoạt tính, khẩu trang diệt khuẩn bằng nano oxittian… do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, chế tạo và có bán ở một vài cơ sở nghiên cứu khoa học.
Giảm ô nhiễm bằng hành động cụ thể
Theo các chuyên gia, nếu gia đình có điều kiện, có thể sử dụng máy điều hòa nhiệt độ để lọc sạch không khí, không cho trẻ em, người già ra đường vào các thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Các loại máy lọc không khí có giá thành cao, tốn điện năng, cũng là một giải pháp tốt để bảo vệ sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Đức Lượng, Khoa Môi trường, ĐH Xây dựng cho biết việc hạn chế ô nhiễm không khí là rất khó. Các cách như đeo khẩu trang, hạn chế ra đường, đóng cửa bật điều hòa, máy lọc không khí… chỉ có thể giảm thiểu phần nào đó, chứ không ngăn ngừa hoàn toàn được việc bị tác động bởi không khí ô nhiễm. Do đó, cần đến những hành động cụ thể mang tính xử lý tận gốc, giảm phát thải khói bụi, thì mới giảm được ô nhiễm.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, người dân bằng những hành động cụ thể của mình có thể góp phần làm giảm ô nhiễm không khí. Ví dụ như đối với xe máy, nên đi kiểm tra bảo dưỡng định kỳ để hạn chế bụi phát ra từ ống pô. Khi phải dừng lâu thì tắt máy. Hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tích cực đi bộ, tham gia vào các hình thức vận tải công cộng. Đặc biệt là người dân có ý thức không sử dụng than tổ ong, bởi hiện nay, ô nhiễm do đốt than tổ ong trong các thành phố lớn như Hà Nội là rất đáng báo động. Ngoài ra, hãy dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ rác thải, bụi bẩn, thu gom đúng nơi quy định… cũng là một cách để bảo vệ môi trường không khí.
Để cải thiện chất lượng không khí, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, địa phương chứ không riêng ngành tài nguyên môi trường, như liên quan đến đăng kiểm, quản lý khí thải phương tiện thì phải là Bộ Công an, liên quan đến công trình xây dựng thì phải Bộ Xây Dựng, quản lý chất thải phải do địa phương...
TS Hoàng Dương Tùng, thời tiết Hà Nội đang trong giai đoạn của đầu mùa đông, và theo quy luật thì hiện tượng nghịch nhiệt thường xảy ra ở giai đoạn đầu mùa này. Hiện tượng nghịch nhiệt không thể tránh được, vì qua theo dõi các năm, thường vào các tháng đầu mùa đông, có tháng xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt 1-2 lần, có tháng xảy ra 5-7 lần, có tháng xảy ra hàng chục lần. Trước đây chúng ta ít để ý đến hiện tượng nghịch nhiệt vì ô nhiễm bụi bẩn không nhiều. Đến nay, ô nhiễm không khí đã ở mức báo động. Vì thế, việc cảnh báo chất lượng không khí thường xuyên, liên tục cần được đặt ra giống như dự báo thời tiết hàng ngày. Ngoài ra phải tăng cường tuyên truyền, trồng nhiều cây xanh, tạo cảnh quan thông thoáng, giảm phát thải… thì mới giảm được ô nhiễm.