Giáo viên mầm non, thể chất có thể được về hưu sớm

(khoahocdoisong.vn) - Nhóm giáo viên (GV) mầm non và GV thể chất được đề xuất vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để được nghỉ hưu trước tuổi.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 01/TP-VPCP của Thủ tướng kết luận hội nghị trực tuyến đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và vấn đề mức sống, việc làm và điều kiện của công nhân lao động.

Trên cơ sở đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại hội nghị về bổ sung nhóm GV mầm non và GV thể chất vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để được nghỉ hưu trước tuổi, Văn phòng Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, rà soát, hướng dẫn cụ thể 2 trường hợp trên.

Nếu được bổ sung vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, GV mầm non và GV thể chất có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi 57 với nam và 55 với nữ theo quy định mới của Bộ luật Lao động, có hiệu lực từ 1/1/2021.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có khoảng 3 triệu lao động làm việc trong 1.800 ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, danh mục này chưa có đối tượng GV mầm non và GV thể chất.

Còn theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khảo sát của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam trong 2020 cho thấy, trong số 10.698 ý kiến gửi về, có tới 96% đề nghị cho GV mầm non và 2.900 ý kiến gửi về (93%) đề nghị nữ GV thể chất được nghỉ hưu ở tuổi 55, do không đảm bảo sức khỏe để thực thi các thao tác chuyên môn; nguy cơ mất an toàn cho học sinh...

Hiện cả nước có khoảng 3 triệu lao động làm việc trong 1.800 ngành nghề, công việc nặng nhọc. Trong đó, GV mầm non ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, đặc biệt khó khăn phải làm ngày hai buổi, thời gian làm việc trên 8h/ngày, cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non còn thiếu, đường xá đi lại khó khăn.  

Do đặc thù dạy trẻ mầm non, các cô vừa phải nuôi, dạy, múa, hát, đọc, kể chuyện cho trẻ nên áp lực công việc nặng nề. Do đặc thù công việc nên giờ làm việc của các cô thường vượt quá quy định, 9 - 10 tiếng mỗi ngày, chưa kể đi sớm về khuya đón trẻ và hầu như không được tính thêm lương. Điều này dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe của GV và chất lượng nuôi dạy trẻ.

Theo Đời sống
back to top