Trong Thông tư số 26 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 10/2020, môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học: quy định có 2 điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học có 3 điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 70 tiết/năm học có 4 điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên.
Trong mỗi học kì, một môn học có 1 điểm kiểm tra đánh giá giữa kỳ và 1 điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ; không còn điểm 1 tiết. So với quy định hiện hành, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh học sinh theo Thông tư 26 đã giảm, môn nhiều nhất cũng chỉ có 6 đầu điểm.
Nhiều giáo viên chia sẻ, nội dung này khiến họ lúng túng, đặc biệt là việc không còn điểm 1 tiết thì có phải là bỏ hẳn bài kiểm tra một tiết không?
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trước đây số đầu điểm kiểm tra 1 tiết nhiều hơn, sau khoảng 2-3 tuần có một bài kiểm tra.
Việc này không thuận lợi cho việc xây dựng đề kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực học sinh - cần thực hiện sau một thời gian dài hơn. Chính vì vậy, mới có sự điều chỉnh này.
Giáo viên không nên hiểu "xóa bỏ bài kiểm tra 1 tiết". Bởi những bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ thời gian có thể là 45 phút (vẫn tương đương với 1 tiết học) đến 90 phút. Với các môn chuyên, có thể là 120 phút. Như vậy, bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ sẽ thực hiện linh hoạt hơn cả về cách thức và thời gian lẫn nội dung.