<div> <p>Trong cuốn Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese", bản đồ mô tả lãnh thổ Trung Quốc và có thêm "đường lưỡi bò" được in to, rõ nét. Ở cuốn Nghe sơ cấp 1 "Developing Chinese", hình ảnh in nhỏ hơn. Đây là giáo trình dạy và học tập dành cho sinh viên năm nhất khoa Trung - Nhật. Khi sử dụng, sinh viên phát hiện nên báo với lãnh đạo khoa và nhà trường.</p> <p>Ngày 3/11, ông Bùi Văn Thanh, Trưởng khoa Trung - Nhật (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), cho biết bản đồ "đường lưỡi bò" xuất hiện trong bài 7 cuốn giáo trình do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh phát hành, được khoa đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2019-2020. Hiện, sinh viên mới học tới bài 5.</p> <p>Trước đó, giảng viên và sinh viên nhà trường đã sang Bắc Kinh tập huấn. Ông Thanh cho hay, khi tiếp cận với giáo trình "Developing Chinese", các giảng viên thấy hay, ngữ pháp và cách đặt câu logic hơn những cuốn giáo trình cũ ở khoa. Hơn nữa, qua trao đổi với các trường đại học đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung ở Hà Nội, "hầu hết trường sử dụng giáo trình này vì đánh giá tài liệu gốc chuẩn, câu chữ không có vấn đề gì". Vì vậy, Khoa Trung - Nhật quyết định thành lập hội đồng khoa học xem xét, đánh giá để đưa vào sử dụng.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Bản đồ đường lưỡi bò xuất hiện trong giáo trình. Ảnh: Tiền Phong" src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/22/ban-do-6235-1572750166.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Bản đồ đường lưỡi bò xuất hiện trong giáo trình. Ảnh: <em>Tiền Phong</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>"Khi thành lập hội đồng, tôi có lưu ý điểm quan trọng đầu tiên là nội dung sách không được đi ngược đường lối chính trị, không vi phạm các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo. Quả thực, nội dung sách không vi phạm điều này, vấn đề biển đảo không được lồng ghép trong bất kỳ câu từ nào. Riêng bản đồ minh họa khá nhỏ là có bất ổn mà chúng tôi không phát hiện ra", ông Thanh nói.</p> <p>Theo ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhà trường đã thông báo và thu hồi giáo trình của tất cả lớp, số lượng đến nay khoảng 500-700 cuốn, nhưng có thể vẫn còn do một số sinh viên mượn của bạn rồi photo. Số sách này sẽ được lập biên bản và tiêu hủy.</p> <p>"Tôi cho rằng cần có cơ quan kiểm soát sách giáo khoa, giáo trình mua từ nước ngoài. Cái này phải thuộc về nhà nước chứ không phải của trường. Chúng tôi không soạn giáo trình này và có soạn cũng không đưa vào bản đồ như vậy", ông Hóa nói.</p> <p>"Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở <span>pháp lý</span> để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".</p> <div> <p>Điều 13 thông tư ban hành quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2011) nêu rõ: Hội đồng Khoa học - Đào tạo Khoa đề xuất danh mục giáo trình cần đưa vào giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo để trình hiệu trưởng xem xét, tổ chức lựa chọn.</p> <p>Sau đó, hiệu trưởng thành lập Hội đồng lựa chọn, duyệt danh mục giáo trình đưa vào sử dụng chính thức trong nhà trường. Căn cứ ý kiến của Hội đồng, hiệu trưởng xem xét và quyết định.</p> <p>Hiệu trưởng có trách nhiệm xin phép chủ biên, tập thể tác giả hoặc cá nhân nhà khoa học và cơ sở đào tạo đã biên soạn để được sử dụng giáo trình theo quy định về quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ.</p> </div> <p> </p> </div> <p> </p>