Đối tượng được tham gia đấu giá gồm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có trụ trụ sở (đối với tổ chức, doanh nghiệp) hoặc nơi đăng ký thường trú (đối với cá nhân) tại địa phương tiến hành bán đấu giá.
Bộ Công an đề xuất giao công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá trực tuyến.
Trong trường hợp chưa có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản để tổ chức đấu giá theo các hình thức khác theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Về giá khởi điểm đấu giá biển số, Bộ Công an đề nghị chia làm 2 vùng, trong đó giá khởi điểm một biển số đưa ra đấu giá tại vùng 1 (Hà Nội, TPHCM) sẽ là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân 2. Đối với các vùng còn lại, giá khởi điểm 1 biển số đưa ra đấu giá được xác định bằng mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân 10.
Bộ Công an cũng đề xuất cho phép được chuyển nhượng,thừa kế, thế chấp biển số trúng đấu giá.
Cụ thể, người trúng đấu giá phải đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục đăng ký, gắn biển số trúng đấu giá vào phương tiện trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với biển số trúng đấu giá; nếu quá thời hạn sẽ mất quyền đăng ký biển số trúng đấu giá và không được hoàn trả tiền trúng đấu giá.
Nội dung này, theo Bộ Công an là tương tự như quy định về quản lý kho số viễn thông (sim số điện thoại), nếu không sử dụng sẽ bị thu hồi để tránh lãng phí tài nguyên số và đảm bảo quy định về công tác đăng ký, quản lý biển số hiện nay: biển số phải được gắn với xe cụ thể, thông qua công tác đăng ký xe và phải do cơ quan đăng ký xe – Bộ Công an quản lý.
Còn về nguồn thu từ việc đấu giá sẽ chia theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% nộp vào ngân sách địa phương.