Quản lý nhà nước về GDNN được đổi mới mạnh mẽ
Ngay sau khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về GDNN, với tinh thần đoàn kết, đồng lòng và bằng những giải pháp đồng bộ, nên chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống thể chế hướng dẫn thực hiện Luật GDNN đã xây dựng, tham mưu trình ban hành cơ bản hoàn thiện.
Đồng thời, chủ động đề xuất những quy định mới, chính sách mới từ tổ chức, quản lý hệ thống cho tới quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp; bổ sung cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho nhà giáo, người học tạo khung pháp lý để tổ chức, quản lý và triển khai đào tạo theo 3 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp...
Đề xuất nhiều quy định, chính sách mới về phát triển giáo dục nghề nghiệp đưa vào Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động. Qua đó tạo nền tảng vững chắc để ổn định và phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhân lực trực tiếp cho phát triển đất nước.
Nhận thức của xã hội về GDNN có chuyển biến căn bản
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trung hạn 2018 - 2020 và được tổ chức triển khai bài bản, có hiệu quả. Với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, đổi mới từ đó đã tạo chuyển biến căn bản nhận thức về giáo dục nghề nghiệp từ Trung ương tới địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, từ cán bộ tới người dân; ngày càng nhiều gia đình chọn trường nghề cho con em theo học, nhiều người học đủ điểm học đại học hoặc đã tốt nghiệp bậc đại học cũng đã lựa chọn trường nghề để học tập, rèn luyện thêm kỹ năng.
Tuyển sinh GDNN vượt kế hoạch hằng năm
Nếu như trước đây, các sơ sở GDNN tuyển sinh chỉ đạt 60 - 70% kế hoạch, thì trong giai đoạn 2017 - 2019, 3 năm liên tiếp đều tuyển sinh vượt kế hoạch; đối với các trường có uy tín và thương hiệu, tuyển sinh đầu vào đã có sự lựa chọn bằng điểm sàn. Kết quả phân luồng sau trung học, đặc biệt là sau trung học cơ sở đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều vùng, nhiều địa phương có tỷ lệ phân luồng cao, tính trung bình cả nước đạt 15%.
Nhiều mô hình mới, cách làm mới mang tính đột phá
Nhiều mô hình mới, cách làm mới, sáng tạo đã tạo đột phá trong GDNN gồm: Mô hình 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề; mô hình đào tạo chất lượng cao theo các chương trình chuyển giao từ nước ngoài; mô hình tuyển sinh gắn với tuyển dụng, thực hành là sản xuất sản phẩm, thành lập hội đồng kỹ năng ngành, công nhận đại sứ nghề...
Năm 2020, nhiều sự kiện lớn cũng được tổ chức thành công. Theo báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, chỉ số doanh nghiệp có tham gia đào tạo chính thức của Việt Nam xếp hạng thứ 66 tăng 4 bậc so với năm 2019.
Xếp hạng chất lượng đào tạo GDNN tăng 13 bậc
Chất lượng, hiệu quả GDNN từng bước được cải thiện; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm sau tốt nghiệp đạt 85%, một số ngành nghề tỷ lệ đạt 100% với mức thu nhập bình quân 7 - 10 triệu đồng/tháng, đối với các ngành nghề trọng điểm, chất lượng cao thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Đã xuất hiện những học sinh, sinh viên tiêu biểu về học nghề, lập nghiệp, khởi nghiệp thành công sau tốt nghiệp và ngay cả khi còn đang học.
Trong các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới, thành tích của các thí sinh luôn được cải thiện và năm 2019 lần đầu tiên Việt Nam dành huy chương Bạc tại kỳ thi kỹ năng nghề thế giới tổ chức tại Liên Bang Nga, xếp thứ 25/63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia dự thi. Năm 2019 Diễn đàn kinh tế thế giới đã xếp hạng chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp tăng 13 bậc.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề
Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, trong đó yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10
Thủ tướng Chính phủ Quyết định lấy ngày 4/10 hằng năm là “Ngày kỹ năng lao động Việt Nam”, nhằm kêu gọi cộng đồng hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể; tôn vinh và khẳng định tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc; thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp.
GDNN góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội
Đánh giá về GDNN Dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng khẳng định, GDNN có nhiều chuyển biến, chất lượng được nâng lên và đạt thành tích cao trong các kỳ thi tay nghề quốc tế. Nhiều cơ sở GDNN hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo theo đặt hàng. Đồng thời, lần đầu tiên trong dự thảo văn kiện có dành sự quan tâm, định hướng rõ nét để phát triển GDNN trong thời gian tới.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương, giai đoạn 2016 - 2020, chất lượng đào tạo về cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo. Chính sách xã hội hóa khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động GDNN được đẩy mạnh.
Những kết quả tích cực đạt được đã phản ánh những nỗ lực hiệu quả của toàn hệ thống GDNN thời gian qua và được lãnh đạo Chính phủ, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Giai đoạn 2021 - 2025, phát triển GDNN được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, gắn với giảm nghèo và an sinh xã hội để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế – xã hội (2021 - 2025) và các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.