<div> <p style="text-align: justify;">Liên quan đến việc giáo dục đại học áp dụng cách mạng Công nghiệp 4.0, PV Infonet có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo đại học, sau đại học, chính trị và công tác sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) về nhận thức, quan điểm và định hướng phát triển hoạt động đào tạo của Nhà trường trong thời gian tới.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td class="pic" style="text-align: justify;"><img src="https://khds.1cdn.vn/2019/01/10/tuan_hoanganh_bgh220190104011854656.jpeg" /></td> </tr> <tr> <td class="caption" style="text-align: justify;">PGS.TS Hoàng Anh Tuấn.</td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Ngay lúc này, các cơ sở đào tạo cần nhận thức nhanh và đầy đủ về thực tiễn trên để có điều chỉnh về cơ cấu ngành đào tạo cho phù hợp.</p> <p style="text-align: justify;">Việc mở mới các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội 4.0, các ngành đào tạo cũ không còn nhiều nhu cầu xã hội có thể giảm quy mô đào tạo hoặc cân nhắc khả năng tích hợp với một số ngành gần nhau để hình thành những ngành mới.</p> <p style="text-align: justify;">Khi xã hội đã không còn nhu cầu nhân lực thì ngành khó tồn tại, trừ những ngành khoa học cơ bản mà bất kỳ xã hội nào cũng cần thì nhà nước sẽ đầu tư duy trì. Trên thế giới, việc xóa bỏ một chương trình đào tạo không còn nhu cầu xã hội là chuyện hết sức bình thường, dù không tránh khỏi hoài niệm và nuối tiếc.</p> <p style="text-align: justify;">Nhìn vào thực tiễn vận động của thị trường nhân lực những năm gần đây và dự đoán về xu hướng sử dụng lao động trong khoảng một thập kỷ tới, điều cần lưu tâm hiện nay là làm sao để hài hòa giữa ba yếu tố chính là: “ngành” của Bộ - “nghề” của thầy - “nghiệp” của trò.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td class="pic" style="text-align: justify;"><img src="https://khds.1cdn.vn/2019/01/10/infonet__xet_tuyen_1(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="caption" style="text-align: justify;">Hình ảnh học sinh tham gia xét tuyển ĐH năm 2015, tại trường Kinh tế Quốc dân.</td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Nhà nước đã khá mở về mã ngành đào tạo, thị trường nhân lực đã khá công khai xu thế vận động để sinh viên ra trường lập nghiệp - khởi nghiệp, thì chính giảng viên và trường đại học cần phải năng động và quyết liệt để làm cầu nối giữa hai đầu cầu là người học và thị trường nhân lực.</p> <p style="text-align: justify;">Nói cách khác, người làm Thầy phải luôn đổi mới, sáng tạo để vừa duy trì được niềm đam mê và nghề mình đã chọn, vừa đảm bảo sự hình thành những ngành đào tạo mới đáp ứng hướng nghiệp cho học trò trong kỷ nguyên nhân lực số”.</p> <p style="text-align: justify;">Ngoài ra, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cũng chia sẻ: “Trong một thời gian khá dài, đại học Việt Nam đi theo định hướng ngành hẹp và chuyên sâu. Đào tạo chuyên ngành có những lợi thế nhất định, nhưng trong kỷ nguyên nhân lực số với trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối tự động, liên/xuyên ngành có những ưu thế nổi bật hơn.</p> <p style="text-align: justify;">Các chuyên gia giáo dục gần đây nói nhiều đến mô hình đào tạo nhân lực mới “T-shaped People” dựa trên sự kết hợp triết lý knowing something about everything với quan điểm knowing everything about something (của mô hình I-shaped People trước đây).</p> <p style="text-align: justify;">Thực tiễn công việc mới yêu cầu người lao động tương lai cần biết rộng và hội tụ nhiều kỹ năng nhận biết, giải quyết vấn đề hơn chỉ là những kiến thức chuyên sâu và hẹp, vốn có thể được giải quyết bởi trí tuệ nhân tạo (AI).</p> <p style="text-align: justify;">Ví dụ, hiện nay ở nhiều quốc gia, các công việc đơn lẻ như Lễ tân khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, Nhân viên bán hàng…đã được thay thế hoàn toàn bằng rô bốt; trong tương lai gần, các nghề phức tạp hơn như Phiên dịch, Tư vấn luật, Giáo viên… cũng có thể được thực hiện bởi máy móc với trí tuệ nhân tạo…</p> <p style="text-align: justify;">Vì vậy, nhân lực cho thị trường lao động 4.0 cần nhiều hơn kiến thức chuyên ngành đơn lẻ; người học cần được trang bị kiến thức đa ngành, xuyên lĩnh vực, tư duy tích cực, kỹ năng tổng hợp...</p> <p style="text-align: justify;">Đặc biệt, bên cạnh các kiến thức khoa học-công nghệ (STEM), người ta bắt đầu nói đến vai trò tối quan trọng của triết học, đạo đức và tri thức nhân văn, nghệ thuật... Mới đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh Giáo dục Quốc tế gần đây, Chủ tịch Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) Allan Goodman cho rằng những công nghệ có khả năng biến đổi xã hội ở quy mô lớn sẽ là những thứ cần có nền tảng đạo đức mạnh mẽ nhất, rằng các phán quyết dựa trên luân lý và đạo đức có thể mang tính cách mạng trong thời đại 4.0”.</p> <p style="text-align: justify;">Ngoài ra, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cũng nói về lợi thế của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng, Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung đó là, có lợi thế lớn trong việc thích ứng với đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số bởi đây là trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hài hòa giữa khối ngành khoa học cơ bản và các ngành khoa học ứng dụng… hàng đầu của đất nước.</p> <p style="text-align: justify;">Với khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, bên cạnh việc duy trì các ngành khoa học cơ bản - vốn rất cần thiết cho bất kỳ quốc gia-dân tộc nào - Nhà trường đang triển khai xây dựng những “ngành lai” trên cơ sở liên kết các ngành hiện có.</p> <p style="text-align: justify;">Chẳng hạn, bên cạnh ngành Quốc tế học và ngành Nhân học, Nhà trường đang triển khai xây dựng ngành “Nghiên cứu phát triển quốc tế” (IDS); bên cạnh 3 ngành đang có là Xã hội học, Công tác xã hội, và Tâm lý học, Nhà trường đang nghiên cứu xây dựng ngành lai phục vụ cho thực tiễn Lão hóa và Phát triển xã hội…</p> <p style="text-align: justify;">Bên cạnh đó, một số ngành và chuyên ngành lai mang tính liên các khối ngành trong Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang được triển khai xây dựng, chẳng hạn: giữa khối ngành Kinh tế và khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn đang hình thành các ngành/chuyên ngành lai như Kinh tế Quản lý, Kinh tế Du lịch, Kinh tế Báo chí - Truyền thông; Quản trị Kinh doanh Nghệ thuật; hoặc giữa khối ngành Kinh tế với khối ngành Khoa học Tự nhiên, Công nghệ…</p> <p style="text-align: justify;">Rõ ràng, đặc tính đa ngành và khoa học cơ bản đang là một lợi thế lớn cho Đại học Quốc gia Hà Nội và các đơn vị thành viên trong việc phát triển các ngành đào tạo liên/xuyên ngành, đón đầu xu hướng nhân lực thời đại 4.0.</p> </div> <div> <div> <div style="text-align: justify;"> </div> </div> </div>