Gian lận thi cử Hà Giang: Tiền - quyền chi phối hay "nhờ vả", "nể nang"?

(khoahocdoisong.vn) - Liên quan đến gian lận thi cử ở Hà Giang, các đại biểu QH cho rằng, rất khó tin chỉ là "nhờ vả", "nể nang". Và dù có là “ông giời” ở địa phương khi vi phạm cũng phải xử lý.

Công an công bố quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Văn Khuông - Ảnh: TT.

Dù là "ông giời"ở địa phương cũng phải xử lý

Viện KSND tỉnh Hà Giang vừa ban hành cáo trạng truy tố 5 bị can về 3 tội danh trong vụ gian lận điểm thi, xảy ra năm 2018 tại địa phương này. Trong đó, có 2 bị can là Phó GĐ Sở GD&ĐT là Phạm Văn Khuông và Triệu Thị Chính.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận đặt câu hỏi là, theo thông tin trong 20 trang của bản cáo trạng này cũng như trong 17 trang của bản kết luận điều tra trước đó của Công an tỉnh Hà Giang đều không thể hiện rõ kết quả điều tra việc các phụ huynh đã chi tiền để "nhờ nâng điểm" cho con em mình như thế nào.

Hồ sơ vụ án với 6.000 trang bút lục, nhưng theo chiều hướng điều tra, xác minh của các cơ quan tố tụng, việc nâng điểm cho 107 thí sinh chủ yếu do "nhờ vả", "nể nang" chứ chưa phát hiện dấu hiệu tiền bạc.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội với P.V KH&ĐS về vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói: “Vụ việc này cử tri rất bức xúc, rất khó tin chỉ là tình cảm, bất vụ lợi. Người ta đặt ra nghi vấn, và tôi cho rằng nghi vấn đó là đúng. Làm gì có chuyện hàng chục, hàng trăm người mà lại chỉ có tình cảm. Nếu nói là không có gì thì gọi là chưa tìm ra được chứng cớ chứ không có nghĩa là hoàn toàn không có".

Tất nhiên, vẫn có những người giúp một cách vô tư. Tuy nhiên, khó có thể nói 100% không có dấu hiệu vụ lợi. Khó khăn trong vụ việc này là việc đưa tiền nếu không có chứng cớ thì cũng đành phải chấp nhận,

Ví dụ như ở Sơn La họ nói rất rõ. Cho nên, ở đây phụ thuộc vào thành khẩn, trung thực của những người trong cuộc. Và sự làm việc công tâm, vô tư của các cơ quan có thẩm quyền.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, trước sự việc như thế này, bao giờ cử tri cũng đặt ra câu hỏi:  Thứ nhất, những người trong cuộc có trung thực, thành khẩn hay không.

Thứ hai là biết đâu đấy trong quá trình điều tra có sự khuất tất, bao che để giấu giếm cho nhau.

Thậm chí, không thiếu gì những kiểu "gà bài". "Gà bài" ngay trong quá trình điều tra, rằng anh nên khai thế này, anh nên khai thế kia. Vì để tránh việc khai ra hết dây mơ rễ má, ra ông nọ bà kia, người ta phải tìm cách dập đi. Nhưng dư luận người ta không phục, quan trọng là như vậy. Vấn đề là đối với những người có sai phạm thì phải xử lý nghiêm.

“Ông có là 'ông giời' ở địa phương đó thì cũng phải xử lý để đảm bảo sự công bằng. Ông như thế thì không còn xứng đáng là cán bộ nữa.

Đặc biệt, ngồi ghế lãnh đạo mà ông không gương mẫu, đảng viên không gương mẫu thì chưa nói tới xử lý hình sự, chỉ cần xử lý theo sự gương mẫu của đảng viên là được rồi”, đại biểu Nhưỡng khẳng định.

Xung quanh vấn đề này, PV KH&ĐS đã tìm gặp đại biểu QH Hầu Văn Lý, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang ngay sau khi buổi họp tổ vừa kết thúc. Tuy nhiên, đại biểu Hầu Văn Lý đã từ chối trả lời phỏng vấn với lý do bận phải ra xe ngay. 

Càng là lãnh đạo càng phải gương mẫu

Bên hành lang QH, trao đổi với PV KH&ĐS về vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang chỉ là do “nhờ vả”, đại biểu QH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH nói, những phụ huynh có con em được nâng điểm như báo chí nêu đều có vị trí trong xã hội, trong bộ máy công quyền.

Cho nên, việc quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, vì quan hệ thân tình hoặc quan hệ nào đó để đề nghị sửa điểm cho con mình thì cũng có thể lý giải như vậy.

Tuy nhiên, trong thực tế, kết luận này không thực sự thuyết phục. Bởi vừa qua báo chí cũng nêu lên những con số rất cụ thể liên quan đến giá tiền trong việc sửa điểm này.

Kết luận điều tra, dù chưa phải đưa tiền, không có hành vi đưa và nhận hối lộ đi chăng nữa thì việc nhờ vả theo kiểu quan hệ quen biết hoặc dùng sức ép của cấp trên với cấp dưới để có hành vi sửa điểm như vậy vẫn hoàn toàn có thể xử lý được.

“Người cán bộ công chức khi thực hiện nhiệm vụ, khi đặt yêu cầu với cấp dưới, đồng nghiệp thì phải hiểu rõ trách nhiệm của mình, hiểu rõ những hành vi nào được làm, những hành vi nào không được phép, những hành vi nào bị cấm.

Trong trường hợp này, dùng những quan hệ (dù là quan hệ tình cảm đi chăng nữa) của cấp trên tác động tới cấp dưới, đồng nghiệp của mình làm sai lệch điểm, thay đổi kết quả của cả một kỳ thi thì đó là những hành vi bị cấm rồi. Và các cá nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình”.

Theo đại biểu Nguyễn Tất Thắng, việc làm này còn liên quan đến vấn đề nêu gương. Cụ thể, các cán bộ đảng viên giữ vai trò quản lý lãnh đạo thì càng phải gương mẫu, càng phải có trách nhiệm với hành vi của mình. Không chỉ cho mình mà còn cho cộng đồng, xã hội.

Trong hai bị can là phó giám đốc Sở GD&ĐT, bà Triệu Thị Chính là người đưa cho ông Nguyễn Thanh Hoài danh sách 13 thí sinh và yêu cầu ông Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh. Còn ông Phạm Văn Khuông nhờ ông Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con trai mình. Con trai ông Khuông được nâng 13,3 điểm.

Bà Lê Thị Dung là cán bộ công an, tuy không được phân công thực hiện nhiệm vụ liên quan trong kỳ thi nhưng đã nhờ ông Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh là con cháu bạn bè, người quen.

Theo Đời sống
back to top