Hỏi: Tôi đi cầu thang do vội nên bược hụt chân, quỵ gối dẫn đến bị giãn dây chằng. Ngay khi bị ngã, tôi dán cao nóng nhưng sau đó không đỡ mà còn nặng hơn. Các con tôi bảo khi bị bong gân, giãn dây chằng thì chườm lạnh sẽ tốt hơn. Vậy nên chườm nóng hay chườm lạnh?
Đặng Thúy Hà (Hà Nội)
Cần xử lý ngay khi bị giãn dây chằng
GS.TS Nguyễn Xuân Nghiên, nguyên Trưởng bộ môn Phục hồi chức năng, Trường Đại học Y Hà Nội:
Khi bị chấn thương về dây chằng, tuyệt đối không nên dùng các loại cao chườm nóng, bởi cao chườm nóng chỉ có tác dụng tốt với các chấn thương về co cơ. Nếu bong gân, căng cơ mà dùng thì chỉ làm sưng hơn.
Rạn hoặc rách sụn chêm đầu gồi: Sụn chêm chính là phần bọc ngoài cùng của xương chày cũng như ổ khớp gối. Lúc bình thường, mặt lớp sụn chêm này nhẵn, lại có dịch trơn làm giảm ma sát nên xương chày xoay trơn tru trong ổ khớp. Khi bị rách hoặc rạn, bề mặt sụn không còn trơn mà có rãnh vỡ, nên khi di chuyển không trơn tru nữa mà ma sát mạnh vào nhau gây đau.
Để xác định bạn có bị giãn dây chằng đầu gối hay không bạn cần tiến hành chụp X – quang xem tình trạng khớp gối. Sau đó chụp cộng hưởng từ để xem mức độ dãn/đứt dây chằng và nhất là rạn/rách sụn chêm. Nếu mức độ nhẹ và bạn còn trẻ, bác sĩ sẽ chỉ điểm dịch kích thích cho sụn liền lại. Nếu nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định mổ (nội soi) để gắp hết những miếng sụn rách ra hoặc nối lại dây chằng bị đứt.
Trường hợp giãn dây chằng nhẹ thì có thể tự phục hồi sau hai tháng, tuy nhiên nguy cơ tái phát rất cao nếu bạn không tập luyện và phục hồi đúng cách, đặc biệt là phần sụn bao đệm gối sẽ bị sưng to và không co về trạng thái cũ được. Chính vì thế, bạn cần tới các bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa Cơ xương khớp để được tư vấn chữa trị kịp thời.
Khi bị ngã dẫn đến bị giãn dây chằng hay bong gân nên chườm lạnh thay vì chườm nóng. Chườm nóng sẽ giúp xoa dịu cảm giác đau tại thời điểm đó nhưng lại mang đến nguy cơ viêm tăng cao. Do nhiệt tác động vào vết thương, dây chằng nên máu lưu thông nhiều khiến dồn máu và tăng sưng. Trong khi chườm lạnh cũng giảm cảm giác đau nhưng đồng thời cũng giảm lượng máu lưu thông do làm co mạch, giảm sự tích tụ chất dịch viêm, vết thương nhanh lành hơn. Có thể phân biệt trường hợp nên chườm nóng và chườm lạnh như sau: Chườm nóng với các bệnh mạn tính hoặc vết thương đã được xử lý ít nhất sau 2 ngày nhằm mục đích cần máu lưu thông tốt từ đó đưa máu đến nuôi một bộ phận, vết thương của cơ thể. Chườm lạnh dành cho các vết thương mới, chưa được xử lý như dùng thuốc, các vết sưng, chấn thương đến cơ và gân…
TH (ghi)