Gián là loài côn trùng có đôi cánh ôm kín lưng, kích thước khác nhau tùy theo loài, có thể dài từ 2 – 3mm đến 80mm, thân có màu nâu sáng hoặc đen và chúng ít khi bay. Các loại gián nhà thường gặp là gián Mỹ (Periplaneta americana), Úc (Periplaneta australasiae), Đức (Blattella germanica), Đông Phương (Blatta orientalis), gián có băng vàng, nâu (Supella longipalpa).
Chúng sinh trưởng qua 3 giai đoạn: trứng, thiếu trùng và con trưởng thành. Tùy theo điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, trứng có thể nở thành thiếu trùng sau từ 1 đến 3 tháng. Thiếu trùng hay còn gọi là gián con thường không có cánh và dài chỉ vài mm. Khi mới nở có màu trắng và đen dần sau vài giờ. Gián con lột xác và lớn lên, phát triển thành gián trưởng thành từ sau vài tháng đến hơn một năm tùy theo loài, có thể có cánh hoặc không có cánh.
Gián nhà thường xâm nhập vào nhà và gây hại cho con người tại những vùng có khí hậu nhiệt đới, ôn đới, ấm áp, ẩm thấp, có thức ăn thích hợp. Chúng sống thành đàn và hoạt động mạnh về ban đêm, còn ban ngày tìm nơi tối tăm, ẩm thấp để trú ẩn như ở hố hốc, kẽ tường, kẽ cửa, kẽ tủ, nhà vệ sinh, tủ đựng bát đĩa và đồ ăn, nơi để các thiết bị truyền thanh, truyền hình và các dụng cụ điện; ống nước và rãnh thoát nước, chuồng gia súc…
Gián nhà là loại côn trùng có hại cho sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của con người vì chúng có tập tính sống ở những nơi bẩn thỉu, hủy hoại và làm thức ăn bị nhiễm khuẩn, đồng thời có thể gặm nhấm làm hư hỏng một số vật dụng như quần áo, vải vóc, bìa gáy sách vở… Chúng vừa ăn vừa nôn mửa những thức ăn mà chúng đã tiêu hóa một phần và đào thải phân rải rác khắp nơi. Các chất bài tiết, nôn mửa từ miệng gián, các tuyến trên cơ thể của gián có mùi hôi đặc biệt, rất khó chịu và đọng lại rất lâu trên những vật dụng mà nó đã đi qua.
Gián không phải là tác nhân gây bệnh nhưng nó là trung gian truyền và phát tán một số loại bệnh vì nó mang mầm bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, dịch tả, dịch hạch, thương hàn, virus bại liệt… Ngoài ra, nó còn mang các loại trứng giun đường ruột, gây tác động kích thích dị ứng, ngứa, viêm da, mí mắt và các rối loạn hô hấp khác tùy theo mức độ.
Sự "trâu bò" của loài gián
Chúng tồn tại và thậm chí sinh sôi nảy nở ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt như giá rét hay nóng bỏng. Với một thân hình mỏng, dẹt, loài gián có thể ẩn mình sâu trong các khe nứt của lớp đất đá, chờ đợi thời tiết thích hợp để phát triển.
Gián bơi khá đỉnh và nếu bạn cố nhấn chìm nó trong xô nước, nó có thể nín thở được hơn một giờ đồng hồ. Gián còn là vận động viên điền kinh, tốc độ của loài này có thể lên đến 4.8km/h. Một số loài gián thì lại thích bay, chúng có thể bay ở độ cao 10m với quãng đường 100-200m, đặc biệt hơn, loài gián sống ở Mỹ có thể bay lượn xung quanh các tòa chung cư từ cao đến thấp.
Ở một diễn biến khác, trừ khi bạn đập nát một con gián, chứ nếu chỉ chặt đầu chúng và nghĩ chúng sẽ chết, bạn đã lầm! Chúng vẫn có thể sống đến tận 1 tuần! Đơn giản vì gián có hệ thống tuần hoàn mở nên dù đầu có lìa khỏi thân thì chúng vẫn có thể thở và tiếp tục sống được.
Thông thường trong nhà, ta có thể tìm thấy gián dưới gầm giường, trong nhà vệ sinh, tủ quần áo hoặc thấy chúng nằm chui rút trong các ngóc ngách mà ta ít chú ý đến. Đặc biệt, nếu ở Nam Mỹ, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy gián hơn vì đây là nơi có loài gián lớn nhất sinh sống, chúng có thân hình dài khoảng 15cm và sải cánh dài gần 30cm.
Gián chịu được vụ nổ hạt nhân?
Câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi đầu tiên là có. Những con gián được tìm thấy giữa đống đổ nát sau khi các quả bom hạt nhân được ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945. Các nhà khoa học lưu ý rằng con người cũng được tìm thấy còn sống, nhưng nhiều người trong số họ đã chết vì nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, không có hồ sơ nào về việc theo dõi sức khỏe của những con gián khi chúng sống sót sau các vụ nổ.
Các nhóm nghiên cứu, bao gồm các nhà khoa học từ Mythbusters, đã thử nghiệm khả năng chống lại bức xạ của gián trước và sau những vụ nổ hạt nhân. Trong hơn một tháng, họ đã cho các con gián, mọt bột khác nhau tiếp xúc với 1.000 rad (đơn vị đo liều hấp thụ bức xạ), 10.000 rad và 100.000 rad. Sau thử nghiệm, 10% gián từ nhóm tiếp xúc với 10.000 rad (gấp 10 lần liều lượng gây chết người) vẫn còn sống. Tuy nhiên, không con nào trong số này có thể tồn tại ở mức 100.000 rad.
Tuy nhiên, những con mọt bột đã làm được điều đó. 10% trong số chúng sống sót trước mức 100.000 rad suốt 30 ngày của cuộc thử nghiệm. Điều này chứng tỏ bản thân chúng cứng cáp hơn nhiều so với những con gián đã chết từ lâu.
Tuy nhiên, thí nghiệm không xem xét liệu gián và mọt bột có thể tạo ra con cái sống sót hay không. Chúng có thể là côn trùng sống sót sau các vụ nổ và bức xạ, chỉ là không thể tiếp tục cuộc sống đủ lâu để đối phó với việc toàn bộ chuỗi thức ăn đã bị xóa sổ. Dù bằng cách nào thì có vẻ như gián sẽ có kết quả tệ hơn nhiều loài côn trùng khác nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Nhà sinh vật học tiến hóa Mark Elgar nói với EarthSky: “Có một số bằng chứng cho thấy gián có vẻ khá kiên cường với tia gamma, mặc dù chúng không nhất thiết là loài có khả năng chống chịu cao nhất trong các loài côn trùng. Bạn có thể lập luận rằng một số loài kiến, đặc biệt là những con kiến đào tổ sâu trong lòng đất, sẽ có nhiều khả năng sống sót sau ngày tận thế hơn loài gián”.