Giảm thuế nhập khẩu thịt, thêm lựa chọn, thêm sức ép đổi mới

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, thịt gà. Đây là đề xuất phù hợp với lộ trình cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do và giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, nhưng cũng sẽ tạo áp lực cạnh tranh với chăn nuôi trong nước.

Như KH&ĐS đã đưa tin, công văn số 14813/BTC-CST mới đây của Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 18% đối với mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh; giảm thuế từ 25% xuống 22% đối với mặt hàng thịt heo tươi hoặc ướp lạnh, trừ loại thịt cả con và nửa con, thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng.

Đề xuất này được cho là sẽ giải quyết được bài toán mất cân đối cung - cầu hiện tại của thị trường do dịch tả lợn đang diễn biến phức tạp. Thực hiện đề xuất này, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, bớt áp lực về giá trong bối cảnh thiếu hụt thịt lợn. Người dân có thể tiếp cận hàng đông lạnh, hàng tươi sống từ nhiều quốc gia với những mức giá tốt hơn, chủng loại đa dạng hơn và đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, bảo quản tốt hơn.

Hiện tại, Việt Nam đang nhập khẩu thịt lợn từ 24 quốc gia, trong đó top 5 quốc gia chính là Brazil, Ba Lan, Đức, Mỹ và Tây Ban Nha với tổng giá trị nhập khẩu đạt tới gần 29 triệu USD. Đối với thịt gà, Việt Nam đang nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Ba Lan và Hà Lan. Trong đó, Mỹ là quốc gia chiếm ưu thế với tỷ trọng lên tới gần 50% sản lượng thịt gà nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ làm gia tăng mạnh mẽ sự cạnh tranh trong khu vực sản xuất của hai mặt hàng này. Đây là tin xấu cho các hộ chăn nuôi, khi họ sẽ phải đối diện với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Ngay cả khi chưa giảm thuế, lượng thịt lợn, thịt gà Việt Nam nhập khẩu đã ngày càng tăng.

Theo các chuyên gia, để nâng cao sức cạnh tranh, không bị mất thị phần, người chăn nuôi, các doanh nghiệp nội cần nâng cấp, chuẩn hóa chu trình sản xuất, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn chăn nuôi. Tích cực xây dựng thương hiệu và chuẩn hóa quy trình tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn ưu tiên lựa chọn thực phẩm tươi hơn là hàng đông lạnh nhập khẩu. Nếu các doanh nghiệp thực phẩm có thương hiệu uy tín, chất lượng đảm bảo thì người tiêu dùng sẽ không quay lưng lại với sản phẩm nội địa.

Theo Đời sống
back to top