Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Chính phủ đánh giá tăng trưởng kinh tế cả 2 năm 2020 - 2021 ở mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong năm 2021 khi nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề.
"Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn, mà còn trong trung và dài hạn đến các mục tiêu tăng trưởng 5 năm, 10 năm. Nếu không có các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạt 5,4%/năm, thấp hơn mục tiêu đề ra" - Chính phủ đánh giá.
Do đó, Chính phủ cho rằng việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất phù hợp và cần thiết nên hiện Chính phủ đã xây dựng và hoàn thiện đề án và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện chương trình, chú trọng các chính sách tài khóa, tiền tệ.
Đề án nêu ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: các giải pháp tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đầu tư nâng cao năng lực y tế; an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Trong đó, gói tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện chương trình sẽ bao gồm tổng quy mô tài khóa là 291.000 tỉ đồng, phần ngân sách nhà nước là 240.000 tỉ đồng. Chính phủ dự kiến miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí phải nộp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 64.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý là trong gói chính sách này, sẽ giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ ngành hàng không, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Tuy nhiên, việc giảm thuế dự kiến sẽ loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có lợi thế phát triển là viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng…
Với phương án này, Chính phủ dự tính sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 49.400 tỉ đồng, thực hiện trong năm 2022.
Ngoài ra, Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2022 như đã áp dụng trong năm 2021; điều chỉnh thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng để hỗ trợ doanh nghiệp; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian 6 tháng; giảm thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí…