<div> <div> <figure class="image" style="display:inline-block"> <div> <div class="thumbox"><img src="https://khds.1cdn.vn/2020/09/25/hanoimoi-com-vn_hanhkhach1.jpg" /></div> </div> <figcaption>Hành khách trên chuyến bay thương mại quốc tế từ Seoul (Hàn Quốc) về Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh ngày 25-9. Ảnh: Dân trí</figcaption> </figure> </div> <p><em>- Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, nếu có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính kể từ ngày nhập cảnh hoặc ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người nhập cảnh vào Việt Nam được phép di chuyển về nhà, nơi lưu trú để tiếp tục tự cách ly. Việc rút ngắn thời gian cách ly tập trung như vậy có ảnh hưởng đến hiệu quả phòng dịch Covid-19 không, thưa ông?</em></p> <p>- Mọi hành khách khi nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước 3-5 ngày, nghĩa là họ không mang mầm bệnh lên máy bay. Khi nhập cảnh, CDC Hà Nội sẽ kiểm tra giấy xác nhận âm tính với vi rút SARS-CoV-2, đo thân nhiệt, kiểm tra y tế để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, ngành Y tế áp dụng biện pháp xử trí theo quy định. Ngoài ra, người nhập cảnh được hướng dẫn khai báo y tế điện tử, cài đặt và sử dụng các ứng dụng truy vết.</p> <p>Ngay sau khi đến cơ sở cách ly tập trung, người nhập cảnh được lấy mẫu xét nghiệm lần 1. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, cơ sở cách ly thực hiện ngay việc chuyển người bệnh điều trị theo phân tuyến. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, tiếp tục cách ly, theo dõi, giám sát y tế cho đến khi lấy mẫu xét nghiệm lần 2.</p> <p>Tất cả các trường hợp đều được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày thứ 6, kể từ ngày nhập cảnh hoặc ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính, thì người nhập cảnh được phép di chuyển về nơi lưu trú (nơi ở, nhà công vụ, nơi làm việc của người nhập cảnh) để tiếp tục tự cách ly đến đủ 14 ngày. Khi đó, chính quyền địa phương nơi có người nhập cảnh về lưu trú tiếp tục giám sát việc thực hiện cách ly của người nhập cảnh.</p> <p>Như vậy, hướng dẫn này tạo điều kiện cho người dân được về nơi cư trú sớm hơn, đồng thời giảm tải cho khu cách ly tập trung, nhưng không có nghĩa là buông lỏng, không quản lý, giám sát chặt người nhập cảnh.</p> <p><em>- Thời gian qua, Hà Nội đã ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với thời gian ủ bệnh kéo dài. Do đó, nếu người nhập cảnh không tuân thủ việc tự cách ly đủ 14 ngày và chính quyền địa phương lơ là trong việc giám sát họ, thì nguy cơ ca bệnh dễ lọt ra cộng đồng. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?</em></p> <p>- Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của chính quyền địa phương là số 1. UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản giao UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn - nơi có người nhập cảnh về lưu trú tiếp nhận, giám sát cách ly y tế đối với người nhập cảnh; thông báo ngay cho cơ quan y tế khi phát hiện người nhập cảnh có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người nhập cảnh khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh và trước khi kết thúc cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.</p> <p>Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc nghi ngờ, chuyển cách ly, điều trị theo quy định. Nếu có kết quả âm tính, UBND xã, phường, thị trấn nơi có người nhập cảnh về lưu trú có quyết định kết thúc cách ly. Ngoài ra, chính quyền địa phương có thể thêm quy định cụ thể đối với người nhập cảnh để yêu cầu họ nghiêm túc tuân thủ việc tự cách ly đủ 14 ngày.</p> <p><em>- Vậy, theo ông, khi Việt Nam mở lại các đường bay quốc tế, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập có lớn không?</em></p> <p>- Theo dự đoán của các chuyên gia, dịch Covid-19 có thể kéo dài tới 1-2 năm. Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế để sống chung với dịch. Chính vì vậy, khi tình hình dịch trong nước được kiểm soát tốt, Việt Nam mở lại đường bay thương mại quốc tế là việc tất yếu để thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Khi các ca nhập cảnh gia tăng, kéo theo nguy cơ dịch bệnh xâm nhập cũng tăng lên. Ngành Y tế Thủ đô đang nỗ lực bảo đảm đáp ứng yêu cầu về xét nghiệm, kiểm soát người nhập cảnh. Tuy nhiên, để phòng dịch hiệu quả, chỉ ngành Y tế không thể làm được, mà cần sự nỗ lực từ nhiều phía, sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, ý thức của mỗi người dân.</p> <p><em>- Trong hơn 3 tuần qua, nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 tại cộng đồng, đã xuất hiện tâm lý chủ quan ở người dân. Vậy, ông có khuyến cáo gì?</em></p> <p>- Trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập luôn tiềm ẩn, mỗi người dân hãy cùng nhau thực hiện đúng và đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Mỗi người cần có ý thức và trách nhiệm, thực hiện tốt "thông điệp 5K", gồm: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế, để bảo vệ chính sức khỏe của bản thân, người thân xung quanh và cộng đồng.</p> <p><em>- Trân trọng cảm ơn ông!</em><br /> </p> <div> <p>Hành khách sau khi xuống máy bay đã được kiểm tra y tế, phân luồng, làm thủ tục nhập cảnh. Sau đó, các đoàn khách được đưa ra khỏi phòng chờ và lên xe của quân đội đến các khu vực cách ly được bố trí.</p> <p>Theo kế hoạch, sau 2 ngày cách ly tập trung, các hành khách sẽ được đưa về khách sạn nơi đăng ký ban đầu để tiếp tục cách ly. Theo đó, 17 người Hàn Quốc được cách ly riêng tại các khách sạn ở Hà Nội, số còn lại được cách ly tại Trung đoàn 59 - Sư đoàn 301 (ở Xuân Mai).</p> <p>Đối với phi hành đoàn, toàn bộ thành viên sau khi trở về Việt Nam đã được kiểm tra sức khỏe và tổ chức cách ly theo quy định. Máy bay được phun khử khuẩn toàn bộ khoang hành khách, buồng lái bằng hóa chất theo tiêu chuẩn quốc tế.</p> </div> </div> <p> </p>