Đề xuất giảm 2% lãi suất vay bất động sản
Theo HoREA, để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp BĐS không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.
Cụ thể, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại (NHTM) xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.
Các NHTM xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn. Và xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm BĐS được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký. Hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.
Ngoài chính sách lãi suất, HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất. Cụ thể, đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch, góp phần kéo giảm giá nhà.
Bên cạnh đó, kiến nghị cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế do tác động của đại dịch.
Cùng với đó, HoREA cũng tiếp tục kiến nghị ban hành quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại bởi hiện nay, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại rất phức tạp như một "ma trận", tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp và làm cho cán bộ công chức nhà nước rất "vất vả", thậm chí dễ bị "rủi ro" trong thi hành công vụ...
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, mức lãi suất cho vay BĐS như hiện nay đã giảm nhiều so với trước đây. Nếu tiếp tục giảm nữa, nguy cơ rủi ro cho thị trường là rất cao. Hơn nữa, hiện nay tín dụng BĐS đang được kiểm soát rất chặt, ngay cả nguồn cung cũng được kiểm soát rất chặt chẽ. Chưa kể, Việt Nam còn đang cân nhắc về một số loại thuế BĐS. Việc các ngân hàng giảm lãi vay hướng đến ưu đãi cho người mua nhà cũng là chính sách phù hợp, nhưng phải gạn lọc để hỗ trợ đối tượng có nhu cầu vay mua nhà thật, tránh ưu đãi cho giới đầu cơ.
Thiếu minh bạch thông tin là một trong những nguyên nhân gây sốt đất ảo, tạo điều kiện cho cò đất tung tin thổi giá đất trục lợi, làm méo mó thị trường bất động sản. |
“Khuyết tật” vẫn còn đầy rẫy
Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS EZ (EZ Property) cho rằng, đề xuất giảm 2% lãi suất vay BĐS không mang tính thực tế. Bởi lẽ Chính phủ đang tập trung nguồn lực để phòng chống dịch bệnh Covid–19. Thời gian qua, việc giãn tiến độ nộp thuế, tiền thuê đất… cũng khiến ngân sách không thu được nhiều.
Thực tế, từ năm 2020 tới nay, một số ngân hàng như VPBank, Vietcombank, OCB, BIDV, MBBank… cũng đã liên tục đưa ra các chính sách hỗ trợ giảm lãi. Song, để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách này là rất khó. Mặt khác, thị trường bất động sản ở Việt Nam là thị trường đặc thù, BĐS luôn được lựa chọn là điểm đến cuối cùng của dòng tiền đầu tư.
Do đó, theo ông Toản, nếu lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm thì nguy cơ tạo ra bong bóng BĐS. “Hiện nay, điều bất thường đang xảy ra ở thị trường chứng khoán và BĐS, khi dòng tiền liên tục chảy vào 2 thị trường này. Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, dù hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ nhưng cổ phiếu lại không ngừng tăng giá. Hay thị trường BĐS dù thanh khoản chậm nhưng giá chung cư, đất nền vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt”, ông Toản cho biết thêm.
Báo cáo thị trường BĐS quý 2 do Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng công bố đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại ở thị trường địa ốc. Thứ nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS vẫn còn một số quy định chồng chéo gây khó khăn trong thủ tục đầu tư. Điều này dẫn đến tình trạng thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài gây ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường BĐS...
Thứ 2, cơ cấu hàng hóa BĐS tuy đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế.
Thứ 3, thông tin về thị trường BĐS chưa đầy đủ và thiếu thống nhất; chưa đảm bảo công khai, minh bạch (như thông tin về quy hoạch, các dự án được thế chấp ngân hàng, tính pháp lý của từng dự án...) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số địa phương.
Thứ 4, giá nhà ở, đặc biệt là tại khu vực đô thị, có xu hướng tăng so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế. Nguyên nhân là do giá đất tại một số địa phương được điều chỉnh tăng, giá một số vật liệu xây dựng trong thời gian qua cũng tăng đột biến…
Thứ 5, vẫn còn các dự án BĐS chưa đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh vẫn đưa ra giao dịch, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đồng thời gây mất trật tự an ninh xã hội. Thứ 6, giao dịch BĐS sơ cấp khó kiểm soát, nhiều rủi ro cho khách hàng do không bắt buộc thực hiện qua sàn giao dịch BĐS.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá, những tồn tại như thể chế pháp luật, cơ cấu hàng hoá mất cân bằng, thông tin thiếu minh bạch kịp thời, BĐS thiếu pháp lý vẫn tung ra thị trường bán, giá nhà tăng nhanh hơn là thu nhập của người dân khiến khó tiếp cận… đều là những vấn đề đã tồn tại cả thập kỷ qua.