GS.TS Trần Kim Qui, chủ nhiệm dự án sản xuất cho biết, phân đạm, đặc biệt là urê, là một loại phân quan trọng được nông dân sử dụng rộng rãi để bón cho cây trồng. Tuy nhiên, phân đạm ngay sau khi bón vào đất, bị các vi sinh vật trong đất tác dụng, làm thất thoát một lượng đạm lớn trong phân. Quá trình phân giải đạm trong đất do vi sinh vật kết thúc từ 15 – 20 ngày. Trong khoảng thời gian này, cây trồng chỉ có thể hấp thụ được từ 45 – 50% lượng đạm bón vào đất dưới dạng NH4+. Phần còn lại bị thất thoát vào không khí dưới dạng NH3, N2O làm tăng hiệu ứng nhà kính và NO3- làm nhiễm độc môi trường nước, thực phẩm.
Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã ly trích các hoạt chất ARL trong hạt neem (xoan Ấn Độ) trồng ở Ninh Thuận có tác dụng khống chế vi sinh vật nitrit hóa phân đạm. Hạt neem khô được tách vỏ và nghiền mịn, sau đó ép lấy dầu bằng máy ép thủy lực. Dầu được tách ra sau khi ép, còn lại xác hạt neem được ép mạnh thành khối cứng, gọi là bánh dầu neem. Từ bánh dầu neem, nhóm nghiên cứu chiết xuất limonoid SNA (gồm salannin, nimbin, azadirachtin). Từ ba hoạt chất này, nhóm sản xuất chế phẩm Limo NI, gồm 3% limonoid SNA, chất làm bền p-aminobenzoic acid, chất tạo nhũ sorbitan ester. Để chế phẩm bao được phân đạm, nhóm điều chế chất kết dính rosin từ nhựa cây thông, có thể ngăn chặn các vi khuẩn làm nitrit hóa phân đạm.
Kết quả thử nghiệm cho thấy cây trồng sinh trưởng vượt trội, lượng phân bón thấp vẫn cho năng suất cao, đồng thời bảo vệ được môi trường đất, nước, giảm được tình trạng lạm dụng phân bón.