Giám sát trạm BOT: Người dân đang thực hiện quyền hiến định

Người dân tự tổ chức đếm xe lưu thông qua trạm BOT Ninh Lộc tỉnh Khánh Hòa chứng tỏ họ đang thực hiền quyền giám sát đã được Hiến định.

Các thành viên trong nhóm chủ yếu là tài xế và người dân sống tại thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, nơi đặt trạm thu phí.

Họ đếm xe bằng phương pháp thủ công, phân loại xe theo các mức phí quy định phải đóng tại trạm.

Việc kiểm đếm trật tự, không cản trở xe lưu thông, không ảnh hưởng đến công việc của trạm thu phí Ninh Lộc và được chia làm 3 ca, trùng với 3 ca trực thu  phí của trạm.

Sự việc đang thu hút sự quan tâm của công luận suốt tuần qua.Không ít người đặt câu hỏi, vì sao người dân phải bắc ghế ra ngồi kiểm đếm như vậy? Đại diện của người dân đang ở đâu? 

Câu hỏi này vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Giám sát trạm BOT: Người dân đang thực hiện quyền hiến định
Người dân tự tổ chức đếm xe lưu thông qua trạm BOT Ninh Lộc tỉnh Khánh Hòa. Họ đếm xe bằng phương pháp thủ công, phân loại xe theo các mức phí quy định phải đóng tại trạm. Ảnh: VietnamNet.

Trên mặt báo, đầy rẫy những thông tin về sự bất cập, sai sót, thậm chí tiêu cực trong các dự án BOT, BT đã được Thanh tra Chính phủ, các cơ quan báo chí, các chuyên gia… chỉ ra.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng chỉ ra những bất ổn liên quan tới các hợp đồng BOT hiện nay như sau:

Về hợp đồng BOT, tất cả các cổ đông liên quan đều phải được có ý kiến; không thể chỉ có chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan quản lý trực tiếp được có ý kiến. "Cổ đông lớn nhất là lợi ích quốc gia, giờ ai đại diện không rõ. Nói Bộ GTVT đại diện lợi ích quốc gia thì không đúng. Ai đại diện cho người dân? Quốc hội đại diện thì Quốc hội phải tham gia thế nào đó?”

Và những nhà làm kinh tế vận tải là khách hàng; không thể có chuyện khách hàng không được có ý kiến; khách hàng gì mà bắt trả bao nhiêu phải trả bấy nhiêu.

Quyền giám sát của dân đã được hiến định

Xã hội văn minh và phát triển ở trình độ cao luôn đề cao sự tự quản rộng lớn của người dân.

Hành vi đếm xe tại chốt BOT Lộc Ninh, giới chuyên gia cho rằng, là cần thiết phải vì nó thể hiền quyền giám sát của người dân. Thiếu sự giám sát và phản biện thực chất của người dân sẽ không thể ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm trong các dự án BOT, BT và trong nhiều dự án đầu tư khác nữa.

Quyền giám sát của nhân dân đã được Hiến định, và được đề cao trong các thông điệp của lãnh đạo quốc gia. Việc giám sát của nhân dân nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của mình cũng như của Nhà nước, góp phần minh bạch hóa tại các dự án BOT.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng là muốn thành công, hiệu quả cao, phải có sự tham gia tích cực của nhân dân.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, khẳng định việc người dân tự tổ chức đếm xe tại trạm BOT Ninh Lộc cho thấy người dân đã ý thức được quyền làm chủ của mình. Hành động này hoàn toàn khác với việc người dân tụ tập phản đối các trạm thu phí đường BOT trước đó.

“Chúng ta vốn luôn luôn nói tới việc đề cao vai trò giám sát của người dân nhưng chưa bao giờ coi trọng việc này một cách thực chất cả. Tôi biết rất nhiều Đại biểu Quốc hội về cơ sở để lắng nghe ý kiến của cử tri và người dân nhưng chỉ làm việc ấy thông qua các cuộc họp do chính quyền tổ chức”, ông Lập nói trên tờ Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ở nhiều quốc gia, Nhà nước khuyến khích và đảm bảo quyền giám sát của người dân. Họ thực hiện giám sát hiệu quả và thực chất hơn ở nước ta. Họ không chỉ lấy ý kiến người dân chung chung mà họ còn chủ động mời các chuyên gia am hiểu ngành tham gia phản biện. Tài liệu cho các chuyên gia được cung cấp đủ và cập nhật thường xuyên. Các tiêu chí đấu thầu rõ ràng, công khai, minh bạch. Đặc biệt có sự tham gia quyết liệt và đầy đủ của các đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội.

Hẳn nhiều người còn nhớ mấy năm trước, nhóm giáo sư Harvard đã cảnh báo trước hậu quả từ sự trục lợi của các nhóm đặc quyền có ảnh hưởng chính trị lớn đang biến của công thành của riêng, làm mất đi nguồn lực vươn lên của Việt Nam trong lúc nền kinh tế lẫn người dân vẫn phải chịu gánh nặng kinh phí.

Cốt lõi của vấn đề là cơ chế kiểm soát các hoạt động tại các trạm BOT còn lỏng lẻo. Việc người dân bắc ghế trực tiếp kiểm đếm xe tại BOT Lộc Ninh cho thấy yêu cầu cấp thiết về chữ tín và lòng tin. Mà để có chữ tín và lòng tin thì chỉ có cách là minh bạch. Hà cớ gì các hợp đồng BOT đều ghi điều khoản “bí mật”.

Theo vietnamnet.vn
back to top