ThS.BS.Nguyễn Văn Huy, Trung tâm Hồi Sức Tích Cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, giảm đau ngoài màng cứng là kĩ thuật được áp dụng rộng rãi ở phụ nữ sau sinh, giúp quá trình hồi phục bệnh tốt hơn. Kĩ thuật này ngoài được áp dụng ở phụ nữ sau sinh còn được áp dụng trong giảm đau sau mổ, ở bệnh nhân chấn thương ngực và bệnh nhân viêm tụy cấp.
Phương pháp giảm đau ngoài màng cứng là một phương pháp gây tê vùng được tiến hành bằng cách đưa thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng để làm mất cảm giác ở một vùng nhất định do các rễ thần kinh chi phối.
Thuốc được dùng trong giảm đau ngoài màng cứng bao gồm lidocain 2%, bupivacain 0,5%, ropivacain, hoặc levobupivacain.
Để thực hiện kĩ thuật giảm đau ngoài màng cứng, bác sĩ sẽ tiến hành đặt một catheter rất nhỏ vào khoang ngoài màng cứng. Các thuốc gây tê và giảm đau sẽ được truyền liên tục qua catheter vào khoang ngoài màng cứng để duy trì hiệu quả giảm đau cho bệnh nhân trong thời gian thông thường từ 3 - 5 ngày.
Giảm đau ngoài màng cứng điều trị viêm tụy cấp |
Nguyên nhân thường gặp của viêm tụy cấp là do rượu, do tăng triglyrid máu, do sỏi đường mật. Trong dịp Tết, việc sử dụng nhiều rượu, bia có thể tăng nguy cơ viêm tụy cấp trong dịp này.
Giảm đau ngoài màng cứng ở bệnh nhân viêm tụy cấp có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các phương pháp khác: Cần lượng thuốc giảm đau ít hơn; Tránh được các tác dụng không mong muốn của các thuốc giảm đau nhóm opioid. Ngoài ra, các nghiên cứu trên thế giới còn ghi nhận khả năng giúp quá trình hồi phục tốt hơn ở các bệnh nhân viêm tụy cấp.
Hầu hết bệnh nhân viêm tụy cấp mức độ vừa đến nặng đều có thể thực hiện kĩ thuật giảm đau ngoài màng cứng an toàn và hiệu quả. Kĩ thuật giảm đau ngoài màng cứng được áp dụng cho những bệnh nhân viêm tụy cấp ở giai đoạn ngay khi nhập viện, và đặc biệt hiệu quả ở ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 của bệnh, giúp giảm tình trạng đau đớn của bệnh nhân. Người bệnh sẽ đạt được hiệu quả giảm đau ngay sau khi bắt đầu thực hiện kĩ thuật. Liều thuốc sẽ được điều chỉnh theo tình trạng đau của bệnh nhân.
Chống chỉ định của phương pháp giảm đau ngoài màng cứng khi bệnh nhân có rối loạn đông máu; có nhiễm trùng tại vị trí gây tê; có tiền sử dị ứng và phản vệ với các thuốc dùng trong giảm đau ngoài màng cứng; bệnh nhân tăng áp lực nội sọ, hẹp van động mạch chủ hoặc van 2 lá mức độ nặng.
Khi thực hiện kĩ thuật này cần có sự đồng ý của người bệnh và người đại diện của người bệnh. Khi thực hiện kĩ thuật, người bệnh cần tuân thủ theo các hướng dẫn của thầy thuốc và các nhân viên theo dõi.