Giải rượu ưu tiên hoa quả tươi

(khoahocdoisong.vn) - Với không ít người, việc phải uống nhiều rượu trong các bữa tiệc là chuyện khó tránh. Tình trạng quá chén khiến chúng ta mệt mỏi, tác hại về lâu về dài. Làm thế nào để giải rượu?

Say rượu nên chọn quả tươi có vị chua, đắng

Rượu, nếu biết sử dụng, làm chủ được bản thân sẽ mang lại sức khỏe, niềm vui. Nếu không biết sử dụng, rượu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn có tác hại khôn lường, vậy nên uống rượu như thế nào để có lợi cho sức khỏe đó là việc quan trọng.

Để hạn chế tình trạng quá chén  thì phải tự bản thân mỗi người, nhưng y học cổ truyền  có nhiều món ăn  bài thuốc làm giảm thiểu tác hại của rượu.

Trong rượu có chất cồn,  aldehyt, axit axetic…đều là chất độc hại cho gan, do vậy chọn món ăn vị thuốc giúp gan thải độc là rất cần thiết. Các thức uống có tác dụng giải rượu như bột sắn dây, đậu xanh, đậu ván, nước mía,  rau má, chanh, bưởi, dưa hấu, dưa chuột... Nếu không may say rượu nên chọn  thức ăn rau củ quả tươi có vị chua, đắng tính mát, những thức ăn giàu vitamin, nhóm B, vitamin C, đều là vị thuốc giúp gan giải rượu, hỗ trợ chức năng gan, giảm thiểu tác hại của rượu.

Theo kinh nghiệm dân gian, bài thuốc Đông y giải độc rượu thường dựa trên biểu hiện lâm sàng, thời gian sử dụng rượu để chọn bài thuốc phù hợp như sau:

Đối với những người thường xuyên uống rượu, biểu hiện người mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, vàng da, thần sắc kém tươi tỉnh, có thể đây là biểu hiện tình trạng gan nhiễm độc. Đang say rượu có thể chọn một số món ăn như cháo đậu xanh, uống nước bột sắn dây và  ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, uống nước mát gan như atiso, nhân trần, diệp hạ châu…

Nếu sau mỗi khi nhậu thấy các khớp tay chân hay bị đau, đây là do lượng cồn trong máu cao, là nguyên nhân dẫn đến bệnh gút, ngoài món ăn giải rượu nói trên nên chọn thêm món ăn tăng đào thải axit uric như hành ta, hành tây, dưa chuột, dưa gang, rau đắng, rau má và uống nước atiso, nước khoáng có ga, chuối chát, lá sa kê…

Nếu sau một thời gian ăn nhậu thấy người lên cân nhanh, mập phì, bụng phệ… đây là nguyên nhân do rượu làm tích mỡ ở các cơ quan nội tạng, dẫn đến gan nhiễm mỡ, cholesterol máu cao, có nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, nên tăng cường ăn các loại rau củ quả tươi tác dụng mát gan, giải độc, giàu chất xơ  như nấm mèo, nấm linh chi, nấm sò, đu đủ, hành lá, mơ lông, trái cây như  bưởi, quít, dứa, uống nước,  râu ngô, linh chi, lá vối, atisô.

Chống say rượu bằng cháo, nước sinh tố

Nếu biết mình phải uống rượu, không thể từ chối, trước khi đi uống rượu có thể chủ động ăn uống một chút cháo, cơm, hoặc nước uống sinh tố trái cây, có tác dụng giảm thiểu tác hại đối với dạ dày, gan và nội tạng. Trên bàn tiệc có rất nhiều món ăn có thể giải rượu, nên tận dụng thực phẩm đó để tự giải rượu cho mình.

Đối với người thân, khi thấy người say rượu bị ói, thần sắc kém tươi tỉnh, khi tỉnh rượu bụng đói, miệng khô khát, mệt mỏi, cơ thể thiếu nước, thiếu dinh dưỡng, gan nhiễm độc, lúc này cơ thể rất cần bù nước, cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng, nhất là thức ăn mát gan giải độc, dễ tiêu, giàu vitamin, khoáng chất. Tốt nhất nên ăn cháo đậu xanh, uống nước sinh tố trái cây tươi.

Lương y Nguyễn Văn Sáu (Trung tâm Y tế Bà Rịa)

Theo Đời sống
back to top