Giải pháp tích trữ nước ngọt cho ĐBSCL

(khoahocdoisong.vn) - Giải pháp duy nhất để tránh tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô là dự trữ nước mưa và nước sông Cửu Long trong mùa mưa lũ.

Chuyên gia môi trường Hồ Tá Khanh, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giải pháp phù hợp nhất hiện nay là xây dựng các hồ chứa lớn bên ngoài lòng sông. Nước cung cấp cho hồ chứa này được cung cấp bằng bằng bơm và tự chảy từ dòng chảy của nhánh sông Cửu Long trong mùa lũ. Với mực nước tương đối cao của sông trong mùa lũ (1 - 5m) và thời gian kéo dài của nó (3 - 5 tháng), việc tích nước của hồ chứa có thể được thực hiện một cách kinh tế bằng cách tự chảy vào hồ và sử dụng máy bơm điện đầu nước thấp (10 - 15m) và công suất thấp (vài m3/s). Điện cho các máy bơm có thể được cung cấp bởi các tuabin gió và các tấm pin mặt trời lắp trên đỉnh đê.

Một vấn đề chung của các hồ chứa bên ngoài lòng sông là không đủ độ kín nước của đất trên bề mặt rộng và chi phí cao cho lớp lót. Nhưng trong trường hợp của ĐBSCL, đất tương đối không thấm nước và độ kín nước của đáy hồ sẽ được cải thiện dần khi hồ đi vào vận hành, vì rằng nước lũ sông Cửu Long thường chứa nhiều phù sa hạt mịn. Sau thời gian chỉ có thể bơm phần nước mặt để hạn chế việc bồi lắng hồ.

Đáy hồ chứa hầu như bị ngập nước vĩnh viễn, điều này giúp ngăn ngừa sự hình thành các vết nứt trên đất và quá trình oxy hóa lớp pyrit thành axit sunfat, nước lưu trữ dù sao cũng ít bị ô nhiễm hơn nước ngầm. Cần lưu ý rằng sự thẩm thấu nước có kiểm soát trong tầng nước ngầm do thẩm thấu từ hồ chứa có lợi cho việc phục hồi mực nước ngầm và làm chậm quá trình lún ĐBSCL. Dung tích của hồ chứa phải đủ để tính đến sự thấm thấu và thất thoát do bay hơi. Trong mùa khô, nước dự trữ được mở tự chảy và phân phối cho các đối tượng khác nhau. Để tăng lợi nhuận của các hồ chứa, có thể thêm các hoạt động nuôi cá và du lịch.

Theo Đời sống
back to top