Hàng loạt các nhà máy, đại lý ô tô phải tạm ngừng hoạt động, khách hàng có tâm lý “trú ẩn” về tài chính... Các yếu tố trên đã khiến thị trường ô tô rơi vào khủng hoảng và được dự báo sẽ để lại “di chứng” kéo dài nếu không có giải pháp kịp thời.
Vỡ kế hoạch sản xuất kinh doanh
Chỉ trong vòng một tuần, từ ngày 31/3 - 6/4, lần lượt 7 nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam gồm: Ford, Toyota, Honda, TC Motor, VinFast, TCIEV (liên doanh Nissan), MBV (Mercedes) thông báo tạm ngừng hoạt động để phòng dịch theo chỉ thị từ Chính phủ.
Phần lớn các đại lý, phòng trưng bày của các hãng ô tô tại Việt Nam cũng chuyển sang làm việc online, tiếp cận khách hàng qua điện thoại, internet.
Dù Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội có hiệu lực từ ngày 1/4 nhưng trong tháng 2 và tháng 3, thị trường ô tô đã sụt giảm mạnh trong tâm thế lo âu của toàn xã hội khi số ca mắc mới Covid-19 tăng thêm mỗi ngày. Tất cả những yếu tố nói trên khiến thị trường ô tô đến nay gần như đóng băng.
Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 3 tháng đầu năm, doanh số ô tô chỉ đạt 50.009 chiếc, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2019. Nhìn lại quý I của 5 năm gần đây, với doanh số lần lượt là 73.297 xe (quý I/2019), 59.558 xe (quý I/2018), 64.730 xe (quý I/2017), 60.551 xe (quý I/2016) có thể thấy chưa năm nào mức tiêu thụ ô tô của các thành viên VAMA thấp như năm nay.
Đến nay, dịch bệnh Covid-19 đang khiến không ít nhà sản xuất, phân phối ô tô “vỡ kế hoạch” sản xuất, kinh doanh cũng như giới thiệu sản phẩm mới. Và khi việc giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài thêm ở một vài đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, thị trường ô tô tiếp tục đóng băng, thời gian hồi phục sẽ dài hơn, dự báo quý II thị trường sẽ tiếp tục đà sụt giảm không phanh.
Chia sẻ với phóng viên Báo Giao thông, giám đốc một đại lý ô tô chính hãng tại Việt Nam thốt lên: “Không có hãng xe nào lường được tình huống này để chuẩn bị nên DN phân phối nhỏ như mình chỉ còn cách cố gắng cầm cự, chờ dịch bệnh kết thúc”.
Trong tình thế ngặt nghèo của ngành công nghiệp ô tô, hôm 20/3, VAMA đã gửi một báo cáo tới Chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn như: Giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT), 50% phí trước bạ cho người mua ô tô để kích cầu.
Ngoài ra, VAMA cũng đề xuất Chính phủ xem xét phương án giãn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt hàng tháng cho ít nhất các tháng từ tháng 3 đến tháng 9/2020 theo dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng; Giãn nộp thuế thu nhập DN cho các quý trong năm 2020 đến kỳ quyết toán ngày 31/3/2021.
Đề xuất của VAMA và Bộ Công thương về việc giảm 50% thuế VAT hay lệ phí trước bạ, thậm chí hãng xe giảm giá khuyến mại, nên tung ra vào thời điểm sản xuất nói riêng và hoạt động xã hội nói chung đã hồi phục hoàn toàn thì mới có hiệu ứng kích cầu thực sự.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Giải pháp nào để kích cầu ô tô hậu Covid-19
Tại khu vực châu Á, sau khi bước đầu khống chế được dịch bệnh, Trung Quốc và Hàn Quốc bắt đầu có chính sách cụ thể để kích cầu ngành công nghiệp ô tô. Chẳng hạn, sau khi ghi nhận doanh số giảm 37% trong tháng 1 và 2, riêng tháng 3 giảm 45% so với cùng kỳ năm trước, Chính phủ Trung Quốc đã tung chính sách kích cầu thị trường bằng cách tiếp tục trợ cấp mua xe mới (khoảng 1.410USD/xe/người dân) và nới lỏng hạn mức sở hữu xe hơi của từng địa phương.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng giảm mạnh thuế cho người mua xe trong 4 tháng. Theo đó, nước này sẽ cắt giảm thuế tiêu thụ cá nhân từ mức hiện hành là 5% (của giá mua xe) xuống còn 1,5%. Khoảng thời gian áp dụng từ tháng 3 - tháng 6/2020.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (Bộ Công Thương) phân tích: “Nhìn lại năm 2009, khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng có tác động đến thị trường ô tô Việt Nam, Chính phủ cũng có gói kích cầu bằng cách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng ô tô và có hiệu quả nhất định vào thời điểm đó. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất của lần khủng hoảng này so với năm 2009 là tác động “hai đầu”, tức là cả nguồn cung lẫn cầu. Bởi vậy, việc giảm bớt lệ phí trước bạ hay thuế VAT như đề xuất của VAMA chỉ là giảm chi phí cho phía người mua và để xem việc này có hiệu ứng hay không, vẫn phải chờ đợi một giải pháp tổng thể của Chính phủ cho ngành công nghiệp ô tô để cung cầu ổn định như trước khi có dịch”.
Trong khi đó, một chuyên gia đại diện cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam cho hay: “Đề xuất của VAMA với mục đích là kích cầu, nhưng vào thời điểm sau khi kinh tế bắt đầu hồi phục, còn tại thời điểm này mọi người đều có tâm lý “trú ẩn” về tài chính, nên đề xuất không có ý nghĩa trong giai đoạn hạn chế đi lại hay giãn cách xã hội như thế này”.
“Về phương thức thì sẽ không có chuyện Chính phủ cho tiền để người dân mua xe như một số nước mà giảm thuế VAT và giảm lệ phí trước bạ có ý nghĩa giảm bớt một khoản đáng kể chi phí lăn bánh cho người mua. Về trình tự thì Chính phủ chỉ có thể quyết định được việc giãn, hoãn nộp các khoản thuế của DN ô tô cũng là hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô, có tính chất thời điểm. Còn việc giảm 50% các loại thuế phí cho người mua xe thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội, phải đợi đến kỳ họp Quốc hội sắp tới”, vị chuyên gia này cho hay.
Khi được hỏi về việc trong lúc VAMA đề xuất Nhà nước có chính sách hỗ trợ để kích cầu thì bản thân hãng xe đã có các giải pháp gì cho chính mình, đại diện VAMA cho hay: “Câu chuyện kích cầu mà VAMA đề xuất là kích thích tổng cầu bằng chính sách Nhà nước, còn bản thân các hãng xe đã cạnh tranh với nhau bằng việc liên tục giảm giá ngay từ khi chưa có câu chuyện Covid-19, chưa có chỉ thị giãn cách xã hội. Lý do là bởi năm nay cạnh tranh khá khốc liệt, tồn kho lớn, bức tranh chung là các hãng đều liên tục giảm giá từ trước Tết đến giờ”.