<div> <p>Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, trả lời câu hỏi của <em>Zing.vn</em>, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) Lê Công Thành cho biết đề xuất hỗ trợ giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch của phía Nhật Bản chỉ là tạm thời và vẫn cần kiểm chứng tính hiệu quả.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="'Giai phap lam sach song To Lich cua chuyen gia Nhat chi la tam thoi' hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/05/05/tnmt_zing(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành. Ảnh: <em>Sơn Hà.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Ông Thành cho biết công nghệ phía Nhật đem sang Việt Nam để đề xuất xử lý mùi, ô nhiễm ở sông Tô Lịch là công nghệ nano, thân thiện với môi trường, đã được cấp bằng sáng chế ở Nhật.</p> <p>"Tất nhiên đây mới là thử nghiệm, Bộ TNMT đã giao cho các đơn vị theo dõi và đánh giá kết quả thử nghiệm, lấy đó làm cơ sở để đánh giá tính khả thi, hiệu quả của công nghệ này", ông Thành phát biểu.</p> <p>Tuy nhiên, đai diện Bộ TNMT tái khẳng định sông Tô Lịch bắt buộc phải được giải quyết từ nguồn gây ô nhiễm, các nguồn xả thải từ nước sinh hoạt và sản xuất của hàng chục nghìn hộ dân tại Hà Nội.</p> <p>"Xử lý căn cốt vẫn phải là xử lý tại nguồn xả thải vào lòng sông, các biện pháp khác cũng chỉ là những biện pháp nhất thời. Vấn đề này cần những giải pháp căn cốt hơn", Thứ trưởng Bộ TNMT nêu ý kiến.</p> <p>Trước đó, ngày 11/4, Thủ tướng <span>Nguyễn Xuân Phúc</span> đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Liên Hợp Quốc do ông Tadashi Yamamura dẫn đầu. Tại đây, chuyên gia người Nhật đã đề xuất tài trợ Việt Nam trong xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch và Hồ Tây bằng công nghệ mới của Nhật.</p> <p>Theo đó, phía Nhật Bản dự kiến mang thiết bị công nghệ hiện đại đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch lòng sông. Đây là công nghệ bio-nano, tốc độ xử lý siêu nhanh.</p> <p>Vị chuyên gia Nhật Bản cho biết với công nghệ này, chỉ sau 3 ngày thì mùi khó chịu từ lòng sông sẽ giảm đáng kể. Thiết bị xử lý ô nhiễm của Nhật này là máy sục khí công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên.</p> <p>Ngoài công nghệ của Nhật Bản, Hà Nội cũng từng đề xuất sử dụng nước sông Hồng để thau rửa, làm sạch nguồn nước của sông Tô Lịch. Tuy nhiên, đề xuất này của Hà Nội cũng nhận nhiều hoài nghi và băn khoăn của các nhà khoa học. Nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp này có thể thực hiện được dễ dàng, những chỉ giải quyết được phần ngọn, không bền vững.</p> </div> <p> </p>