Suy dinh dưỡng bào thai là một vấn đề phổ biến, nhưng việc nhận biết cũng như can thiệp dinh dưỡng cho trẻ chưa được nhiều phụ huynh quan tâm đúng mức và đúng thời điểm.
Suy dinh dưỡng bào thai là tình trạng đứa trẻ sinh ra có cân nặng và chiều cao thiếu rất nhiều so với tuổi thai.
Lưu ý các trẻ sinh non tháng và có cân nặng chiều cao thấp, nhưng vẫn phù hợp với tuổi thai của chúng, không phải là suy dinh dưỡng bào thai.
Ngược lại, các trẻ sinh ra đủ tháng, nhưng lại có cân nặng và chiều cao thiếu nhiều là do suy dinh dưỡng bào thai.
Ví dụ, một trẻ sinh đủ tháng (> 37 tuần) mà có cân nặng < 2.500g hay chiều cao < 45cm được chẩn đoán suy dinh dưỡng bào thai. Trẻ sinh trước 37 tuần sẽ được tra bảng để chẩn đoán.
Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai do 3 nhóm nguyên nhân chính.
Nguyên nhân do mẹ mắc bệnh lý làm giảm cung cấp dinh dưỡng và oxy cho trẻ, như tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, suy thận, nhiễm trùng… Nguyên nhân từ mẹ chiếm tỷ lệ đa số (80%).
Phần nhỏ trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai là do nguyên nhân từ trẻ (bệnh lý, dị tật bẩm sinh, bệnh lý di truyền, nhiễm trùng…) chiếm tỷ lệ 10%.
Cuối cùng, nguyên nhân từ các bất thường của bánh nhau (10%).
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng bào thai dao động tùy theo quốc gia và trung bình khoảng 5% trên tổng số trẻ sinh ra.
Hầu hết trẻ suy dinh dưỡng bào thai sẽ có hiện tượng tăng trưởng bù và thường bắt kịp tăng trưởng vào thời điểm tròn 2 tuổi.
Hiện tượng tăng trưởng bù thường xảy ra nhanh và mạnh trong 6 - 12 tháng đầu sau sinh. Tăng trưởng bù thường xuất hiện ở 90% trẻ suy dinh dưỡng bào thai.
Tuy nhiên, 10% trẻ không thể tăng trưởng bù để bắt kịp. Trẻ càng chậm tăng trưởng bù, cơ hội tăng trưởng bù càng nhỏ.
Nghiên cứu cho thấy, đến 4 tuổi mà trẻ không tăng trưởng bù để bắt kịp thể chất với trẻ cùng tuổi, cơ hội sẽ thấp và hậu quả là trẻ sẽ thấp bé, thiếu chiều cao khi trưởng thành.
Do đó, các bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng bào thai, khi nuôi trẻ trong 4 năm đầu và đặc biệt là 2 năm đầu phải theo dõi và chăm sóc bé cẩn thận để đảm bảo trẻ được tăng cân và đặc biệt là chiều cao bù và các phát triển khác như vận động và ngôn ngữ.
Việc chăm sóc phải bao gồm nuôi con bằng sữa mẹ, cho ăn dặm đúng cách và đủ số lượng, bổ sung vitamin và khoáng chất thích hợp, đảm bảo giấc ngủ tốt, tương tác, chăm sóc trẻ, tái khám theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ ít nhất mỗi 3 tháng trong 2 năm đầu và mỗi 6 tháng trong 2 năm tiếp theo.
Một trong những giải pháp cho trẻ không bắt kịp tăng trưởng vào thời điểm 4 tuổi là sử dụng hormon tăng trưởng, được chỉ định ở suy dinh dưỡng bào thai sau 4 tuổi mà chiều cao còn quá thấp.
Ở những trẻ này, việc sử dụng hormon tăng trưởng có thể không nhất thiết phải có nồng độ hormon tăng trưởng thấp. Việc sử dụng sớm sẽ có hiệu quả hơn trễ.
Ở các nước phương Tây, việc sử dụng hormon tăng trưởng ở những trẻ này thường cũng trễ vào khoảng 8 - 9 tuổi. Việc sử dụng hormon tăng trưởng ở những trẻ này với mục đích chính là cải thiện chiều cao của trẻ khi trưởng thành.
TS.BS Trần Quốc Cường (Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM)