Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường làng nghề tại Hà Nội

(khoahocdoisong.vn) - Kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 - 2020 cho thấy, hiện có 139 làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Vẫn còn nhiều làng nghề ô nhiễm

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã.

Cơ cấu làng nghề tại Hà Nội được phân chia gồm: 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng làm nghề nón, mũ lá; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 24 làng làm nghề chế biến lâm sản; 29 làng làm nghề thêu ren; 26 làng làm nghề dệt may; 9 làng làm nghề da giầy, khâu bóng; 13 làng làm nghề cơ kim khí; 15 làng làm nghề chạm điêu khắc; 5 làng làm nghề đan tơ lưới; 54 làng làm nghề chế biến nông sản thực phẩm; 6 làng làm nghề cây sinh vật cảnh và 14 làng thuộc ngành nghề khác: Gốm sứ, làm đàn, dát quỳ vàng bạc…

Đáng chú ý, kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 - 2020 cho thấy, 139 làng nghề hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%). Bên cạnh đó, 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), có 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%). Tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.

Báo động ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hà Nội - Ảnh minh họa.

Báo động ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hà Nội - Ảnh minh họa.

Theo đánh giá, nước thải của một số ít làng nghề được chuyển đến cụm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, phần lớn nước thải từ các làng nghề đều xả thải thẳng ra môi trường, với mức độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào.

Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, lượng nước thải sản xuất có nơi ước tính lên đến 7.000m3/ngày như các làng: Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai thuộc huyện Hoài Đức. Nơi ít nhất cũng thải ra môi trường 1.000m3 mỗi ngày/làng nghề. Không chỉ nguồn nước, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh…

Để phát triển bền vững

Ðể giúp các địa phương chủ động trong xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách, tạo ra những bước chuyển tích cực trong công tác bảo vệ môi trường theo hướng bền vững như Kế hoạch số 235/2015/KH-UBND về công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020. Tiếp đó là Ðề án Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Điểm nhấn tiếp theo, UBND TP Hà Nội ban hành quy định về bảo vệ môi trường làng nghề theo 6 nhóm ngành, nghề sản xuất chính: Thủ công mỹ nghệ (gốm, sứ, thủy tinh mỹ nghệ, chạm khắc, sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ); chạm mạ vàng, bạc, thêu, ren; chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, giết mổ; dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da; vật liệu xây dựng và khai thác đá, tái chế phế liệu; nghề khác (sản xuất nông cụ như cày bừa, đóng thuyền, làm quạt giấy…).

Mới đây, theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 19/8/2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 3990/UBND-ĐT về thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá phân loại mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố. Trong đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Công Thương phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát quy hoạch các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề; bố trí địa điểm và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng di chuyển vào các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề tập trung có hạ tầng đồng bộ, bảo đảm các nguồn thải sau sản xuất được thu gom, xử lý tập trung đạt quy chuẩn môi trường…

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, giới thiệu, phổ biến công nghệ xử lý nước thải, rác thải, khí thải phù hợp với điều kiện làng nghề; chủ trì, phối hợp với các địa phương nghiên cứu đưa các thiết bị, công nghệ sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường vào sản xuất tại các làng nghề nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm phát sinh trong quá trình sản xuất…

Tại các địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã đôn đốc UBND cấp xã lập phương án bảo vệ môi trường làng nghề, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường theo phương án bảo vệ môi trường làng nghề đã được phê duyệt theo quy định.     

Trước đó, ngày 28/5/2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề năm 2020. Nội dung chính hỗ trợ là đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội làng nghề. Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của làng nghề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đánh giá, dự báo, xác định biện pháp quản lý rủi ro của làng nghề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Biện pháp xử lý chất thải của làng nghề; các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Chương trình quản lý và giám sát môi trường; phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Theo kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đã được Sở Công Thương đề xuất, đến hết năm 2020, thành phố sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm. Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2030, dành 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác, đồng thời quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề; nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình hệ thống quản lý môi trường tại làng nghề; hoàn thành đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2050.

Theo Đời sống
back to top