<div> <div>Tuy nhiên trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam hiện nay, thuế phí đang chiếm mức lớn khiến khi giá xăng dầu thế giới lao dốc mạnh, giá trong nước cũng chưa thể giảm như mong muốn.</div> <div>Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, nếu so sánh với mức giá dầu trước đây thấp nhất cũng chỉ khoảng 45 USD/thùng thì mức giá khoảng 22 USD/thùng cho dầu thô giao tháng 6 và tăng lên 28 USD/thùng giao tháng 7 là cực kỳ cạnh tranh.</div> <div>Dầu Brent hợp đồng tháng 6 giảm còn 26,13 USD/thùng cũng là mức rất thấp. Trong khi đó, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước có 7 lần giảm. Hiện xăng E5 RON92 còn 11.343 đồng/lít và xăng RON95 là 11.939 đồng/lít, dầu diesel gần 11.000 đồng/lít.</div> <div>Dữ liệu của Bộ Công thương, trước kỳ điều chỉnh giá vừa qua (13.4), giá xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 nhập khẩu bình quân ở mức 20,64 USD/thùng, xăng RON95 là 21,26 USD/thùng, dầu diesel 33,9 USD/thùng… đều thấp hơn kỳ trước từ 16 - 17%.</div> <div>Theo Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, cơ cấu giá xăng ngoài giá nhập còn phải cộng thêm 4 loại thuế. Nếu trừ tất cả thuế phí, giá xăng RON95 ở VN sẽ là 3.168 đồng/lít. Như vậy, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới được dự báo giảm nữa, nếu giá xăng không phải trích quỹ bình ổn lên đến 1.500 đồng/lít như vừa qua và giảm 4.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường theo kiến nghị mới đây của Bộ Công thương, giá xăng trong nước chỉ có thể 7.000 - 8.000 đồng/lít.</div> <div>Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng dầu trong nước vẫn tuân thủ theo kỳ điều hành 15 ngày mới thay đổi, trong khi các hợp đồng tương lai, gần nhất là tháng 5, nên giá dầu thế giới có giảm lúc này, chưa thể nói ngay là giá xăng dầu trong nước giảm mạnh được. Mặt khác, giá xăng dầu trong nước đang tham chiếu giá từ thị trường Singapore nên khi giá dầu Mỹ về âm thì ảnh hưởng không lớn. Hơn nữa, hiện giá xăng dầu trong nước đang quá phụ thuộc vào các loại thuế, phí khiến có giảm, mức giảm không thể sâu được.</div> <div> <table align="center"> <tbody> <tr> <td> <div><img alt="Giá xăng trong nước sẽ xuống 7.000 - 8.000 đồng/lít? - ảnh 1" /></div> </td> </tr> </tbody> </table> </div> <div>“Kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đang ở mức cao từ 3.800 - 4.000 đồng/lít là hợp lý. Tuy nhiên, việc giảm thuế phải do Quốc hội quyết. Mà trong tình hình hiện nay, Quốc hội cũng chưa họp bàn được vấn đề trên tại thời điểm này, nên tạm gác chuyện giảm thuế bảo vệ môi trường trong lúc này. Trong tương lai, khi thị trường hồi phục, giá dầu lên 80 - 100 USD/thùng thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường cũng không thấm vào đâu”, ông Long nói.</div> <table> <tbody> <tr> <td> <div> <h3>Những đợt khủng hoảng giá dầu trong lịch sử</h3> <div> <div>Các đợt khủng hoảng này xảy ra cùng với những thay đổi lớn của nền kinh tế toàn cầu và thị trường dầu thô. Đợt đầu tiên xảy ra trong giai đoạn 1985 - 1986 liên quan thay đổi lớn trong chính sách của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và nhu cầu sụt giảm trong thập niên trước đó. Giá dầu thô tăng đến 35 USD/thùng vào năm 1980 trước khi giảm xuống còn 10 USD/thùng vào năm 1986.</div> <div>Các đợt khủng hoảng giá dầu sau đó liên quan đến nhu cầu thế giới sụt giảm sau suy thoái kinh tế ở Mỹ (giai đoạn 1990 - 1991 và vào năm 2001), khủng hoảng tài chính châu Á (1997) và khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008 - 2009).</div> <div>Đợt khủng hoảng gần đây nhất (2014 - 2016) diễn ra sau giai đoạn tăng trưởng nhanh về nguồn cung dầu từ các nước ngoài OPEC. Theo chuyên trang Oil Price, đợt khủng hoảng này buộc nhiều công ty Mỹ cố gắng tồn tại bằng cách cắt giảm chi phí, việc làm và tối ưu hóa quy trình khai thác. Giá dầu thô năm 2012 đạt trên 125 USD/thùng và giữ giá trên 100 USD/thùng cho đến tháng 9.2014 thì bắt đầu giảm dần, xuống dưới 30 USD/thùng vào tháng 1.2016. Theo các chuyên gia, đợt khủng hoảng 2014 - 2016 xảy ra trong nhiều tháng nên có thể gây thiệt hại ít hơn so với đợt khủng hoảng hiện tại xảy ra chỉ trong vài tuần.</div> <div> </div> </div> </div> </td> </tr> </tbody> </table> </div> <p> </p>