<div> <div>UBND TP.Hà Nội vừa có dự thảo về phương án giá vé có trợ giá trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.<br /> Theo đó, Hà Nội quy định 2 loại giá vé là vé ngày và vé tháng. Vé ngày cho hành khách phổ thông có giá 30.000 đồng, không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến. Giá vé tháng cho hành khách phổ thông 200.000 đồng/người/tháng.<br /> Giá vé đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể hành khách đi trên tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và các khoản chi phí trung gian thanh toán nếu có.<br /> Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được giao phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố hướng dẫn Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đường sắt Hà Nội thực hiện mức giá vé trên.<br /> Đối với đối tượng ưu tiên, Sở Giao thông Vận tải được giao phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và xã hội xây dựng quy trình mua vé tháng.<br /> Giá vé cụ thể khi lên từ từng ga được dự kiến như sau:<br /> Trong các bảng tính toán trên, Ga 1: Cát Linh, Ga 2: La Thành, Ga 3: Thái Hà, Ga 4: Láng, Ga 5: Thượng Đình, Ga 6: Vành Đai 3, Ga 7: Phùng Khoang, Ga 8: Văn Quán, Ga 9: Hà Đông, Ga 10: La Khê, Ga 11: Văn Khê, Ga 12: Yên Nghĩa.<br /> Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu từ tháng 9.2018, tốc độ trung bình 35 km/giờ.<br /> Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, UBND TP.Hà Nội và tổng thầu EPC đang tính toán chính thức đưa vào vận hành tuyến này từ tháng 4.<br /> Trước khi chạy chính thức, tuyến này sẽ được đánh giá an toàn bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam và đơn vị đánh giá độc lập của Pháp, cũng theo ông Đông.<br /> Trước đó, lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu tháng 12.2018 phải đưa tuyến này vào vận hành thương mại, song mốc này không thực hiện được.<br /> Trước khi đến được bước này, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường tốn nhiều giấy mực của báo giới vì đã rất nhiều lần chậm tiến độ cũng như phải điều chỉnh lớn về tổng mức đầu tư. <br /> </div> </div>