Trong tháng 5/2021, giá lợn hơi có xu hướng giảm tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm đáng kể.
Giá thịt lợn giảm 1,61% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm. Theo đó, giá của các sản phẩm từ thịt lợn như thịt quay, giò, chả cũng giảm 0,58% so với tháng trước. Mỡ động vật giảm 3,45%.
Hiện giá lợn hơi dao động trong khoảng 64.000 - 72.000đ/kg, giảm 2.000 - 6.000đ/kg so với cuối tháng 4/2021. So với thời điểm này năm 2020, giá lợn hơi giảm từ 25.000 - 29.000đ/kg.
Giá thịt lợn giảm do thị trường tiêu thụ chậm, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế các dịch vụ ăn uống, du lịch, trong khi nguồn cung đang được đảm bảo do người chăn nuôi dần hồi phục đàn.
Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua, khiến không ít nông dân thua lỗ, phải bỏ chuồng.
Người chăn nuôi gia súc tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thách thức kép với rủi ro dịch bệnh khi bệnh da sần trên trâu, bò, lợn đang lây lan, gây ảnh hưởng năng suất chăn nuôi.
Tính tới tháng 5/2021, bệnh da sần đã xuất hiện tại 29/63 tỉnh, thành với tổng số 44.000 gia súc nhiễm bệnh và hơn 5.000 con đã bị tiêu hủy. Dịch bệnh này cũng gây ra lo ngại cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, nguy cơ từ dịch tả lợn châu Phi luôn rình rập và bùng phát trở lại nếu không được kiểm soát tốt.
Theo thông báo của cơ quan kiểm dịch thuộc Cục Thú y Việt Nam, ngày 19/5/2021, trong quá trình thực hiện kiểm dịch nhập khẩu lô lợn sống 980 con từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm, cơ quan kiểm dịch đã phát hiện lô lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Để ngăn ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam làm lây lan dịch bệnh cho đàn lợn nuôi trong nước, ngày 28/5/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 3157/ BNN-TY về việc tạm ngừng nhập khẩu lợn sống để giết mổ làm thực phẩm từ Thái Lan kể từ ngày 30/6/2021.
Đối với những lô lợn sống đã được doanh nghiệp hai nước ký hợp đồng mua bán và sẽ vận chuyển về Việt Nam đến hết ngày 29/6/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn tiếp tục cho phép nhập khẩu vào Việt Nam và sẽ chỉ đạo cơ quan thú y tổ chức kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm.