<div> <p><b>Cuối năm, lợn hơi xuống 70 ngàn/kg?</b></p> <p><b> </b><span>Trong khi người chăn nuôi nhỏ lẻ bị kiệt quệ vì đại dịch, nhiều địa phương “đói” con giống hoặc giá giống quá cao không thể vào đàn, hàng loạt DN lớn tranh thủ tái, tăng đàn.</span></p> <p>Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, hầu hết DN lớn sản xuất lợn giống hạn chế bán con giống ra ngoài, nên hiện giá lợn giống rất cao, từ 2,5 đ<span>ến hơn 3 triệu đồng/con. Theo tính toán chi tiết, trong thời gian dài, giá lợn hơi duy trì ở mức 90-95 nghìn đồng/kg hơi, có thể thấy các DN lớn “lãi rất khủng”.</span></p> <p>Cục Chăn nuôi cho biết, tại 16 DN chăn nuôi lợn lớn như CP, CJ, Japfa, Emivest, Dabaco, Hòa Phát, Mavin… đến tháng 7/2020, tổng đàn lợn thịt đạt trên 4,88 triệu con. Số lượng này tăng so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi gần 53% và tăng 46,8% so với đầu năm nay. Theo kế hoạch của 16 “ông lớn” này, đến hết quý III/2020, tổng đàn có thể đạt 5,17 triệu con và quý IV/2020 sẽ đạt 5,36 triệu con, tăng 68% so với thời điểm đầu năm nay.</p> <p>Nhiều DN lợn đã có tốc độ tăng đàn “khủng khiếp” để tận dụng giá lợn tăng cao trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2020, như: Công ty CJ tăng 212.800 con lên 756.000 con, Cty Japfa tăng từ 105.000 con lên 276.400 con, Dabaco tăng từ 69.000 con lên 250.000 con, Mavin cũng tăng từ 35.000 con lên 341.000 con, Tập đoàn Hòa Phát tăng từ 50.600 con lên hơn 103.000 con…</p> <p>Việc tranh thủ cơ hội trên đã giúp nhiều DN có mức lãi chưa từng có. Tập đoàn Dabaco cho biết, lũy kế 2 quý đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của DN này tăng 722 tỷ đồng (tăng 26 lần) với cùng kỳ năm trước.</p> <p>Chưa hết, theo con số mới nhất mà Dabaco vừa công bố, chỉ trong hai tháng 7-8/2020, doanh thu của tập đoàn đạt 2.370 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 261 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2020, Dabaco đạt doanh thu 8.678 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.093 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.011 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao kỷ lục từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính tới nay.</p> <p>Trong khi đó, tại DN đứng đầu về tổng đàn lợn trên cả nước, Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc nói: “Chúng tôi đã tận dụng tương đối tốt cơ hội tái, tăng đàn dù trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi”.</p> <p>Theo ông Tuấn, tổng đàn lợn của C.P tháng 1/2019 là 2,31 triệu con, đến tháng 1/2020 đã tăng lên gần 2,42 triệu con và đến tháng 7/2020 gần 2,7 triệu con. “Với hệ thống khách hàng của C.P, chúng tôi đã đồng hành để hướng dẫn tái, tăng đàn và các trại từ tháng 9/2019 đến nay đều có hiệu quả tốt”, ông Tuấn nói.</p> <p><b style="font-size: 14px;">Giá thịt cao do khâu phân phối?</b></p> <p>Theo khảo sát của PV, trong ngày 3/9, giá lợn hơi ở các vùng miền liên tục “thủng đáy”. Tại miền Bắc giá lợn chỉ ở mức 74-77 nghìn đồng/kg, không có địa phương nào trên 80 nghìn đồng/kg. Tại thủ phủ chăn nuôi lợn ở phía Nam là Đồng Nai, giá trung bình cũng chỉ 78 nghìn đồng/kg.</p> <p>Trao đổi với <i>Tiền Phong</i>, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện giá thịt lợn hơi đã giảm sâu so với lúc cao điểm xấp xỉ 100 nghìn đồng/kg, có nơi lợn hơi trong dân chỉ khoảng 70 nghìn đồng/kg.</p> <p>Theo ông Tiến, đến nay dịch tả lợn châu Phi khiến cả nước phải tiêu hủy trên 6 triệu con, chiếm xấp xỉ 20% tổng đàn lợn trước khi loại dịch bệnh nguy hiểm này xuất hiện (khoảng 31 triệu con thời điểm cuối năm 2018). Có những nơi như Đồng bằng sông Hồng, tới 36% đàn lợn bị tiêu hủy.</p> <p>Tuy nhiên, với nhiều giải pháp, tổng đàn lợn cả nước đã hồi phục được khoảng 85%, với trên 25,2 triệu con. Lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường đã đáp ứng theo đúng kịch bản. “Với khả năng đáp ứng năm 2020 là 8,5 triệu tấn thủy sản, 5,8 triệu tấn thịt các loại, Bộ đã tính toán chặt chẽ và khẳng định và cung cầu cơ bản được cân đối”, ông Tiến nói.</p> <p>Về nguồn cung lợn giống ra thị trường, ông Tiến cho biết, hiện cả nước có 2,93 triệu con lợn nái các loại, trong đó có 126 nghìn con lợn cụ kỵ, ông bà, nên nguồn lợn giống trong nước có thể đáp ứng được. “Vào quý III, quý IV, số lợn nái tăng lên, số lượng lợn hậu bị chuyển sang lợn nái cũng tăng lên. Do vậy, khả năng đáp ứng số lượng lợn giống để sản xuất 50 triệu con lợn thịt năm nay sẽ đáp ứng được, cung ứng khoảng 3,8 triệu tấn thịt lợn trong năm 2020”, ông Tiến phân tích.</p> <p>Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, tới đây, khi nguồn cung lợn giống tăng lên, giá lợn giống sẽ xuống, từ đó giá thành giảm kéo theo giá bán đi xuống. Chênh lệch giữa giá thành và giá bán vẫn còn, nên chăn nuôi vẫn có hiệu quả, kể cả hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.</p> <p>Nói về việc giá lợn hơi giảm, nhưng giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao, Thứ trưởng Tiến cho biết, trước đây, Việt Nam có hệ thống phân phối của Nhà nước là các doanh nghiệp, cửa hàng, nhưng nay có nhiều thành phần kinh tế tham gia, nên để điều hành việc giá thịt lợn giảm xuống mức hợp lý cần lộ trình.</p> <p>Theo ông Tiến, Bộ Công Thương đã có đợt kiểm tra giá thịt lợn và có đề xuất, trình Chính phủ về việc sẽ lập ủy ban về chống phá giá, cạnh tranh. “Nếu được thông qua và ủy ban này ra đời, cùng với những thiết chế đi kèm, chúng ta sẽ lập lại được trật tự trong khâu phân phối, trong đó có sản phẩm thịt”, ông Tiến nói.</p> <p>Ông Tiến cho rằng, qua tổng kết, thịt lợn bán ở các quầy chênh lệch gấp 1,7-1,9 lần so với giá lợn hơi là hợp lý. Tuy nhiên, mức giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng hiện nay cho thấy rất nhiều chi phí ở khâu phân phối và các khâu khác. “Do vậy, cần phải có cơ chế, chính sách để xử lý chứ không đơn thuần thông tin, tuyên truyền được”, ông Tiến phân tích.</p> <div> <blockquote class="quotes cms-quote"> <p>“Chúng tôi vẫn kỳ vọng giá thịt lợn hơi cuối năm nay sẽ rơi vào khoảng 70 nghìn đồng/kg, vừa đảm bảo được chăn nuôi trong nước phát triển, vừa đảm bảo được nhu cầu thực phẩm, đảm bảo người lợi ích của người chăn nuôi”.<br /> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến</p> </blockquote> </div> <p> </p> </div> <p> </p>