Gia Lộc Phát: “Bạn hàng” kín tiếng của Rạng Đông

(khoahocdoisong.vn) - Kể từ sau khi bà Lê Thị Kim Yến trở thành cổ đông lớn và đảm nhận chức vụ thành viên HĐQT tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Công ty CP Gia Lộc Phát cũng trở thành “bạn hàng” lớn, quen thuộc của doanh nghiệp này.

Nguồn gốc Rạng Đông

Ngày 28/8 vừa qua, tại khu nhà xưởng sản xuất của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (87-89 Phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã xảy ra cháy lớn. Khoảng 7h sáng ngày 29/8, đám cháy này mới có thể được khống chế. Tuy nhiên, dư luận vẫn hoang mang về thông tin về nồng độ thủy ngân phát tán ra môi trường sau hỏa hoạn.

Ngày 4/9, tại họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ TNMT - ông Võ Tuấn Nhân - cho biết, nồng độ thủy ngân quan trắc được ở một số điểm trong nhà máy Công ty Rạng Đông và xung quanh vượt ngưỡng an toàn từ 10 đến 30 lần, lượng thủy ngân đã phát tán ra môi trường trong vụ cháy có thể lên đến 27,2 kg, bán kính ảnh hưởng là 500 m tính từ hàng rào Công ty Rạng Đông.

Đến ngày 8/9, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TNMT cho biết, Công ty Rạng Đông đã thừa nhận 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng. Hầu hết thuỷ ngân trong các bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy.

Chiều muộn 9/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng - ký văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về xử lý hậu quả sự cố vụ cháy tại Công ty Rạng Đông.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng TNMT,  các cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo, tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả vụ cháy ở Công ty Rạng Đông.

Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội chú trọng thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố cháy, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường.

Đồng thời, yêu cầu Hà Nội chịu trách nhiệm điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy, nổ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Như vậy, nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ hỏa hoạn sẽ được điều tra làm rõ. Tuy nhiên, công chúng nên lưu ý về lịch sử Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông. Đây là doanh nghiệp được thành lập năm 1961 với tên gọi ban đầu là Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông.

Thực hiện Nghị định số 388/HÐBT về việc thành lập lại các doanh nghiệp nhà nước, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông được thành lập lại theo quyết định số 222 CN/TCLÐ ngày 24/03/1993 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công nghiệp) với ngành nghề kinh doanh bao gồm: sản xuất kinh doanh các mặt hàng bóng đèn, phích nước và các sản phẩm thuỷ tinh. Tháng 6/1994 được đổi tên thành Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông.

Tháng 7/2004, Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông chính thức chuyển thành công ty cổ phần, và đổi tên là Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM với mã RAL ngày 06/12/2006.

Gia Lộc Phát và nhóm cổ đông lớn

Theo Báo cáo tài chính bán niên năm 2019 của Rạng Đông, tính đến ngày 30/6/2019, quy mô vốn điều lệ của công ty đạt 115 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công đoàn công ty (42,96%), bà Lê Thị Kim Yến (15,24%), ông Lê Đình Hưng (9,26%) và Cổ đông khác (32,54% vốn điều lệ).

Lưu ý rằng bà Lê Thị Kim Yến (SN 1959) và ông Lê Đình Hưng (SN 1960) chính là 02 chị em ruột, vì vậy có thể thấy nhóm cổ đông này sở hữu không dưới 24,5% vốn điều lệ tại Rạng Đông thời gian này. 

Việc tham gia và trở thành cổ đông lớn tại Rạng Đông của bà Lê Thị Kim Yến và ông Lê Đình Hưng được thể hiện từ năm 2015. Những cổ đông trên đã mua lại cổ phần từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khi đơn vị này thực hiện thoái vốn Nhà nước vào tháng 9/2015. Giao dịch được thực hiện qua phương thức thỏa thuận với giá trị ghi nhận hơn 114 tỷ đồng.

Sau khi trở thành cổ đông lớn, ngày 15/9/2015 bà Lê Thị Kim Yên chính thức đảm nhận chức vụ thành viên HĐQT Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Điểm đáng lưu ý là những giao dịch của Rạng Đông với “bạn hàng” là Công ty CP Gia Lộc Phát (Gia Lộc Phát) những năm gần đây.

Theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2016 của Rạng Đông ghi nhận, Công ty Gia Lộc Phát đã đem lại gần 964 tỷ đồng doanh thu bán hàng Rạng Đông trong năm 2015, hơn 1.132 tỷ đồng năm 2016.

Nửa đầu năm 2019, Gia Lộc Phát cũng đem lại hơn 575 tỷ đồng doanh thu bán hàng cho Rạng Đông, nửa đầu năm 2018 cũng là hơn 497 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2019, Gia Lộc Phát cũng đang dẫn đầu danh sách khách hàng có số dư phải thu lớn với RAL, giá trị ghi nhận đạt 184 tỷ đồng. Qua đó có thể thấy, quan hệ với Gia Lộc Phát là vô cùng quan trọng với Rạng Đông, và mối quan hệ ngày đang ngày càng bền chặt.

Tại Công ty cổ phần Gia Lộc Phát, bà Lê Thị Kim Yến và ông Lê Đình Hưng giữ vai trò quan trọng. Trong đó, ông Hưng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, còn bà Lê Thị Kim Yến làm Tổng Giám đốc.

Hiện Rạng Đông đang sở hữu lô đất “vàng” 5,7ha tại 87-89 Hạ Đình- Hà Nội, ngay gần khu đắc địa “Cao- Xà- Lá” và Công ty Giầy Thượng Đình. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã đẩy mạnh việc di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội, và Quyết định 86/2010/QĐ-Ttg đã cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Đáng lưu ý là, trước đây dù sản xuất thiết bị chiếu sáng là ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của Rạng Đông nhưng đến tháng 11/2018 doanh nghiệp này đã đăng ký bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu; tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Đây có lẽ cũng là điều kiện thuận lợi để Rạng Đông tính toán các phương án tiếp theo liên quan đến bất động sản, đặc biệt là 5,7ha đất vàng tại phường Hạ Đình.

Theo Khoa học & Đời sống
back to top