Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến cho kinh tế bị suy yếu nặng nề, khả năng phục hồi lĩnh vực bất động sản gần như bằng 0.
Mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản sụt giảm khá mạnh trong quý 3/2021.
Cụ thể, trong tháng 7, 8, các địa phương có mức giảm mạnh nhất phải kể đến là: Đà Nẵng với 49%, Bình Dương 40%,Phú Yên với 37%, Đồng Nai 35%, TP.HCM 33%, Khánh Hòa 32%,Hà Nội 36%,… Trừ một số ít địa phương kiểm soát được dịch như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Hầu hết các sản phẩm bất động sản như đất nền, chung cư, đất thổ cư, bất động sản nghỉ dưỡng,… đều có lượt mua bán – bán ảm đạm. Trừ một số ít địa phương kiểm soát được dịch như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Mặc dù, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng, nhưng trái ngược với suy nghĩ và mong muốn của nhiều người, giá bất động sản lại tăng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đối với nhà ở, giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu là nhà ở trung cấp và cao cấp, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp còn rất hạn chế.
Tình trạng này sẽ không giảm từ đây đến cuối năm. Đơn cử như TP.HCM và Hà Nội, dù lượt quan tâm có giảm nhưng đây vẫn là thị trường có sức hấp dẫn và được ưa chuộng nhất cả nước.
Giá chào bán chung cư tại TP.HCM trong tháng 8 có xu hướng đi ngang so với tháng 7 nhưng lại tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Hà Nội cũng tiếp tục ghi nhận giá rao bán căn hộ chung cư tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020.
Lý giải việc giá bất động sản có xu hướng tăng trong khi giao dịch giảm, ông Đính cho biết, do dịch Covid-19 đã khiến cho mọi dự án đều bị ngưng trệ, từ năm 2020 đến nay, gần như không có dự án đầu tư lớn nào được hoàn thiện.
“Chưa kể, quỹ đất để xây dựng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… gần như đã khan hiếm, không thể phê duyệt thêm dự án. Trong khi những năm qua, do vướng mắc thủ tục pháp lý, nên rất nhiều dự án phải nằm chờ, không thể triển khai. Do đó, nguồn cung đã khan hiếm nay càng khan hiếm hơn” - ông Đính nói.
Trong khi đó, một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản tìm cơ hội đầu tư đã tạo áp lực tăng giá.
Tuy nhiên, ông Đính cũng cảnh báo, mặc dù thị trường giao dịch bất động sản trong thời gian qua rất sôi động, có phần tăng mạnh so với năm 2020, nhưng đó chưa chắc là giao dịch thực. Tỉ lệ người mua nhà để ở thực tế không cao, mà hầu hết vẫn là các nhà đầu tư đầu cơ, tạo sóng và lướt sóng nhằm thúc đẩy thị trường cho sôi động .
“Do đó, các nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ các thông tin trước khi xuống tiền trong thời gian này để tránh tiền mất, tật mang. Có lẽ, nhiều nhà đầu tư lớn và đầu tư lâu năm họ không đi theo thị trường như chúng ta vẫn nghĩ” - ông Đính khuyến cáo.