Ảnh: Ca ghép tế bào gốc tại bệnh viện Huyết học - Truyền máu T.Ư
Tăng cơ hội ghép cho người bệnh
Chị Nguyễn Thị H. sinh năm 1986 (Quảng Ninh) được chẩn đoán ung thư máu dòng lympho ác tính, cần được ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, kết quả thử trong gia đình, em trai chỉ hòa hợp ½, mẹ già gần 60 tuổi hợp nhưng lại bị viêm gan B không thể là nguồn tế bào gốc để ghép.
Với sự quyết tâm của các bác sĩ và gia đình, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã tiến hành kỹ thuật ghép nửa hòa hợp cho bệnh nhân. Kể từ khi ghép vào tháng 12/2015 tới nay chị hoàn toàn khỏe mạnh và có thể được xem là đã khỏi bệnh.
BSCKII Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép Tế bào gốc – Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho biết, ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài là phương pháp điều trị tối ưu nhất hiện nay với bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính cũng như lành tính. Có các phương pháp ghép: Ghép tự thân, ghép đồng loài. Trong ghép tế bào gốc đồng loài, tế bào gốc tạo máu bị bệnh được thay thế hoàn toàn bằng tế bào gốc khỏe mạnh của người hiến. Kết quả ghép đồng loài tại Viện cho thấy:Thời gian sống toàn bộ 5 năm ở nhóm lành tính và ác tính tương ứng khoảng 80% và 42%; và thời gian sống không bệnh 5 năm ở nhóm lành tính và ác tính tương ứng là gần 70% và 40%.
Tuy nhiên, trong giai đoạn trước việc ghép đồng loài chỉ được áp dụng khi có nguồn hiến phù hợp hoàn toàn nên cơ hội tiến hành ghép cho bệnh nhân chỉ khoảng 30%. Vì vậy, trên thế giới đã phát triển các kỹ thuật ghép bằng các nguồn tế bào gốc thay thế khác như nguồn tế bào gốc từ người cho không cùng huyết thống, máu dây rốn không cùng huyết thống và đặc biệt là nguồn nửa hòa hợp. Nguồn nửa hòa hợp sẽ nâng cơ hội ghép từ 30% của bệnh nhân có thể tới 100%, vì nguồn nửa hòa hợp không chỉ được lấy từ bố mẹ và anh, chị, em ruột mà cả họ hàng...
Đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề cao
Theo BSCKII Võ Thị Thanh Bình, không phải mọi ca ghép đều thành công bởi có rất nhiều các biến chứng nên tỷ lệ tử vong có thể từ 10-20%. Trước khi ghép bệnh nhân thường phải trải qua điều trị hóa chất/tia xạ liều cao để loại trừ tế các bào tạo máu cũ trước khi đưa tế bào tạo máu mới vào. Trong thời gian chờ mọc ghép, bệnh nhân ở trạng thái suy tủy xương tạm thời, gây giảm các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu dẫn đến thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết. Ngoài ra bệnh nhân còn có các tổn thương do tác dụng của hóa chất như viêm loét niêm mạc, suy gan, suy thận, … Các biến chứng này có thể nặng gây tử vong cho bệnh nhân trước khi mảnh ghép mọc thành công.
Khi tiến hành ghép nhưng liều tế bào không cao như trong ghép máu dây rốn, ghép bất đồng HLA, bất đồng nhóm máu... có thể dẫn đến không mọc mảnh ghép. Hay ngay cả khi mảnh ghép đã mọc tốt nhưng đôi khi mọc quá mạnh sẽ có thể gây nên hiệu ứng miễn dịch gọi là bệnh ghép chống chủ, trong đó các tế bào của mảnh ghép tấn công các cơ quan như da, gan, niêm mạc đường tiêu hóa, phổi,… Các biến chứng này nếu ở mức độ nặng khó kiểm soát cũng có thể gây tử vong.
Có những trường hợp mảnh ghép đã mọc ổn định trong cơ thể nhưng sau đó do tế bào ác tính tồn dư hoặc do sự kém hòa hợp về miễn dịch của mảnh ghép và cơ thể dẫn đến việc bệnh cũ tái phát hoặc mảnh ghép bị đào thải.
Hiện nay, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã trở thành một trong những trung tâm về ghép tế bào gốc hiệu quả, uy tín trên cả nước. Với kỹ thuật ghép nửa hòa hợp, Viện mới áp dụng được cho gần 10 bệnh nhân, hầu hết là những người bị tái phát không chỉ 1 đến 2 lần mà là lần thứ 3. Trong đó có hai bệnh nhân suy tủy và ung thư máu khỏi hoàn toàn nhờ kỹ thuật này.
"Nhìn những bệnh nhân đang hồi phục từng ngày và họ không cần phải dùng thuốc hỗ trợ sau ghép, chúng tôi mới thấy phép màu của việc ghép tế bào gốc. Sẽ còn nhiều lắm những việc cần phải làm, nhưng nụ cười và những cái nắm tay của họ sau những ca ghép, chính là nguồn động lực rất lớn, khích lệ chúng tôi bước tiếp trên hành trình còn nhiều gian nan này” - BSCKII. Võ Thị Thanh Bình