Ghép gan cho trẻ 1 tuổi nặng 6,7 kg

(khoahocdoisong.vn) - Đây là ca ghép gan cho trẻ nhỏ tuổi, cân nặng thấp nhất được thực hiện thành công tại Việt Nam. Ghép gan, cho trẻ nhỏ là một kỹ thuật rất cao, cần sự vận hành đồng bộ nhiều chuyên khoa cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên gia, mở ra cơ hội sống cho các bệnh nhi.

Bị bệnh từ 3 tháng nếu không ghép sẽ tử vong

Bé T.V.H.V (1 tuổi, trú tại Mỹ Lộc, Nam Định) được chẩn đoán vàng da ứ mật từ lúc 3 tháng tuổi do hội chứng rối loạn chuyển hoá mật hiếm gặp PFIC type 2. Bé đáp ứng kém với điều trị, xuất hiện các triệu chứng vàng da nặng, gan lách to, thường xuyên phải nhập viện điều trị các triệu chứng suy gan. “Nếu không được ghép gan kịp thời, bệnh nhi sẽ tử vong vì các biến chứng của suy gan”, TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Bé T.V.H.V rất may mắn vì được bố mẹ và gia đình đều đồng thuận cứu cháu bằng mọi giá và may mắn hơn nữa, qua kiểm tra, cả bố và mẹ cháu đều có gan phù hợp để hiến cho con. 

“Có nguồn gan hiến, nhưng với một trường hợp em bé chỉ nặng 6,7kg, kỹ thuật ghép gan vô cùng khó khăn. Chúng tôi chỉ thực hiện ca ghép khi đảm bảo được tỷ lệ thành công cao, vì một ca phẫu thuật ghép gan không đơn giản là tốn về chi phí điều trị mà còn có đến hai người trong một gia đình cùng lên bàn mổ...” TS.BS Phạm Duy Hiền, trưởng khoa ngoại Bệnh viện Nhi TW cho biết.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện, ca ghép gan cho bệnh nhi được thực hiện sáng 1/4/2019 bởi hơn 40 y bác sĩ với sự hỗ trợ về chuyên môn của nhóm chuyên gia ghép tạng, GS Chin-Su Liu – Trưởng khoa phẫu thuật Nhi và các cộng sự tới từ bệnh viện Taipei Veterans General Hospital, Đài Bắc. Trải qua 12 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã ghép thành công một phần gan trái của người bố cho em bé.

GS Chin – su Liu cùng các y bác sĩ theo dõi các chỉ số của bệnh nhân

GS Chin – su Liu cùng các y bác sĩ theo dõi các chỉ số của bệnh nhân

Kỹ thuật cao mang lại cơ hội sống

TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa cho biết, thành công của kỹ thuật ghép gan ở bệnh nhi nhẹ cân, nhỏ tuổi mở ra cơ hội sống cho rất nhiều bệnh nhi. Hiện tại khoa Gan Mật đang quản lý 980 hồ sơ bệnh gan mật khác nhau, trong đó nhóm teo mật bẩm sinh chiếm  hơn 300. Mỗi năm Bệnh viện Nhi phẫu thuật cho 70-80 ca teo mật bẩm sinh, đến khi trưởng thành, hơn 1/2 số bệnh nhân này sẽ phải ghép gan. Đó là chưa kể đến các bệnh khác như: Wilson,...phải ghép với số lượng tương tự. Số lượng cần ghép gan rất lớn và không ngừng tăng lên. “Tuy nhiên, vấn đề lựa chọn ghép hay không ghép phụ thuộc vào sự quyết tâm của người thân, điều kiện kinh tế gia đình vì chi phí ghép gan là quá lớn, BHYT chỉ chi trả một phần. Một ca ghép với chi phí hàng vài trăm triệu đồng là quá sức với nhiều gia đình có con bị bệnh gan phải đeo đuổi điều trị trong thời gian dài. Nếu có sự hỗ trợ về chi phí sẽ giảm được cả gánh nặng của bệnh nhân và người hiến tạng” – TS Hoa chia sẻ.

Ghép gan, đặc biệt là ghép gan cho trẻ nhỏ là kỹ thuật rất cao, trong đó khó khăn nhất là kích thước một số mạch máu vô cùng nhỏ (chỉ khoảng 1,3mm), phải nối dưới kính hiển vi điện tử, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề rất cao...

Sau ca ghép, việc đảm bảo chức năng khối ghép hoạt động tốt là một chặng đường dài. “Bệnh nhi tiếp tục được cách ly và chăm sóc toàn diện tại khoa Hồi sức ngoại. Tất cả các hoạt động của bé, dù nhỏ nhất như phân, nước tiểu, nhiệt độ…đều được ghi nhận và thông báo tới toàn ê kíp. TS.BS Đặng Ánh Dương, phó trưởng khoa Hồi sức ngoại chia sẻ: “Suốt 13 ngày sau ghép, bệnh nhân liên tục đi ngoài phân bạc trắng là 13 ngày căng thẳng tới tột độ, đe doạ nguy cơ phải phẫu thuật lại. Đến đêm thứ 14 sau mổ, bé đại tiện có màu vàng, thể hiện mật đã lưu thông tốt, ca ghép đã thành công”.

Đến nay, BV Nhi Trung ương đã thực hiện được 14 ca ghép gan cho trẻ em. Trong đó, chỉ trong vòng 10 tháng, từ tháng 7 năm 2018 đến nay, GS Chin – Su Liu đã sang Việt Nam hỗ trợ thực hiện thành công 3 ca ghép gan, trong đó có 2 ca đòi hỏi kỹ thuật cao trong ghép tạng gồm 1 ca ghép bất đồng nhóm máu, 1 ca cân nặng thấp.

Thúy Nga

Theo Đời sống
back to top