Gene quý của cá tỳ bà bướm

(khoahocdoisong.vn) - Cá tỳ bà bướm là cá cảnh tự nhiên hay là loài cá lai, nhập khẩu?

Theo ThS Nguyễn Thị Kim Liên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, Sở KH&CN TPHCM: Trong các nhóm cá cảnh xuất khẩu, nhóm cá cảnh tự nhiên bản địa ngày càng có giá trị và được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước, nhưng hiện nay sản lượng đánh bắt và khai thác ngoài tự nhiên ngày càng ít, không đủ đáp ứng cho thị trường cá cảnh. Bên cạnh đó, nguồn cá cảnh tự nhiên chủ yếu là khai thác nên nguy cơ suy giảm và cạn kiệt dần nguồn lợi ngoài tự nhiên. Tỳ bà bướm (Sewellia spp.) là giống cá nước ngọt bản địa của Việt Nam, phân bố ở các sông suối nước ngọt, nơi có dòng chảy mạnh của các tỉnh miền Trung. Đây là một trong những đối tượng cá cảnh tự nhiên đang được khai thác rất nhiều để phục vụ cho xuất khẩu, dẫn đến sản lượng cá ngoài tự nhiên ít dần.

Cá tỳ bà bướm phân bố ở các con suối nơi có nước chảy xiết tại các tỉnh miền Trung, các yếu tố môi trường sống của cá bao gồm nhiệt độ nước 22 - 25 độ C, pH nước 6,0, DO 4mg/L, độ cứng nước 53,7mgCaCO3/L, độ trong 20 - 80cm, tốc độ dòng chảy một chiều 0,38 - 0,42m/s. Cá có tập tính bám vào các tảng đá lớn nhỏ dưới nền đáy, cây rừng mọc xung quanh và ven các con suối. Thức ăn ngoài tự nhiên của cá là các rêu, rong, tảo bám vào các tảng đá. Tỷ lệ sống cá sau khi khai thác từ 50 - 70%. Sản lượng khai thác cá tỳ bà bướm ngày càng giảm và có nguy cơ cạn kiệt nguồn cá ngoài tự nhiên. Đa số các cảnh là loài nhập khẩu, lai tạo. Do vậy, loài cá cảnh tự nhiên như cá tỳ bà bướm là một nguồn gene phong phú, quý hiếm sử dụng để lai tạo, bảo tồn, nhân giống các loài cá cảnh khác. Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu để nhân nuôi loài cá này trong môi trường nhân tạo, giúp bảo tồn loài và bảo tồn nguồn gene.

Theo Đời sống
back to top