Gãy xương đòn nhiều biến chứng
Vị trí thường gãy xương đòn là ở 1/3 giữa, ít gặp ở 1/3 ngoài và 1/3 trong. Gãy 1/3 ngoài xương đòn, các đoạn gãy thường không di lệch hoặc di lệch ít. Gãy 1/3 trong xương đòn, các đoạn gãy ít di lệch và có di lệch thì giống như gãy ở 1/3 giữa. Gãy 1/3 giữa xương đòn ít gặp đường gãy ngang, phần lớn có đường gãy chéo kèm theo mảnh rời, các đầu xương gãy thường nhọn, sắc có thể chọc thủng da và gây thương tổn bó mạch dưới đòn. Xương đòn là một xương nằm nông ngay dưới da, dễ dàng sờ thấy ổ gãy nên việc chẩn đoán gãy xương đòn thường không khó.
Bệnh nhân gãy xương đòn thường có tư thế đầu nghiêng về bên đau, vai đau thấp hơn bên lành, tay lành nâng tay đau, sưng nề, bầm tím tại chỗ gãy xương, có khi thấy đầu xương gãy đội da cao lên hoặc chọc thủng da, có thể sờ thấy 2 đầu xương gãy… Bệnh nhân cần chụp xquang để phát hiện vị trí và đặc điểm của ổ gãy.
Biến chứng của gãy xương đòn hay gặp nhất là đầu gãy xương đòn làm thủng da gây ra gãy hở, có thể căng dãn, chèn ép và gây thương tổn đám rối thần kinh cánh tay, gây tràn khí, tràn máu phế mạc. Bệnh nhân có thể gặp những biến chứng muộn như: Hạn chế vận động khớp vai, đau kéo dài tại vùng vai, lồi lên phía da gây xấu hoặc đau…
Khi gãy xương đòn không di lệch hoặc di lệch không đáng kể thì băng hoặc bó bột, cố định khoảng 4 tuần. Khi gãy xương đòn có di lệch nhiều thì cần nắn chỉnh dưới gây tê ổ gãy bằng cách bệnh nhân ngồi trên ghế đẩu, người nắn đứng phía sau bệnh nhân, tỳ gối vào giữa hai vai bệnh nhân làm đối lực, hai tay vòng ra trước nắm giữ vai bệnh nhân kéo ra sau, đưa lên trên và ra ngoài.
Những trường hợp di lệch nhiều mà đã nắn chỉnh không đạt còn di lệch chồng > 2cm, đe dọa không liền xương do chèn cơ giữa 2 đầu xương gãy, đe dọa chọc thủng da và thương tổn bó mạch do các đầu xương gãy nhọn sắc, gãy xương hở, gãy xương kết hợp tổn thương mạch máu… thì sẽ có chỉ định phẫu thuật, kết xương bằng nẹp vít. Sau khi kết xuơng, treo tay 2-3 ngày đỡ đau có thể cho vận động sớm. Bắt đầu từ ngày thứ 3 sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị vật lý trị liệu, khoảng 6-8 tuần sau bệnh nhân có thể phục hồi chức năng vận động.
PGS.TS Trần Đình Chiến, Bệnh viện 103