Hỏi: Gần đây, tôi luôn bị mệt mỏi, chán ăn, bụng đầy trướng, rối loạn tiêu hóa... đi khám siêu âm phát hiện gan to bất thường, bác sĩ nghi ngờ sán lá gan nhỏ. Xin KH&ĐS cho biết, biểu hiện và nguy cơ của bệnh sán lá gan?
Nguyễn Thị Huyền (Nam Định)
GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội: Sán lá gan nhỏ truyền qua cá gây bệnh ở người, ký sinh trong đường mật gây kích thích và viêm làm đường mật dày lên, xơ hóa lan tỏa ở khoảng cửa túi mật, tổ chức gan tăng sinh, xơ hóa, thoái hóa mỡ, có thể cổ trướng, gan to ra (có khi gấp 2 – 3 lần bình thường).
Đa số không có triệu chứng lâm sàng, một số trường hợp có rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, ăn chậm tiêu. Giai đoạn muộn: Rối loạn tiêu hóa (sống phân, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch, cảm giác như đau dạ dày, ăn nhiều mỡ, đau bệnh tăng lên); Gan (đau tức hạ sườn phải và vùng gan, xuất hiện nhiều khi lao động lặng hoặc đi lại, hoặc khi sức khỏe giảm sút. Đôi khi có cơn đau gan điển hình và kèm theo vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt. Một số trường hợp bị xạm da. Gan có thể sưng to dưới bờ sườn với ấn mềm, mặt nhẵn và tiến triển chậm, lúc này có thể ấn đau điểm túi mật); một số trường hợp có viêm đường mật hoặc viêm tụy, xơ gan cổ trướng).
Bệnh sán lá gan nhỏ có thể gây sỏi mật, gây rối loạn chức năng gan, tiêu hóa và rối loạn toàn thân. Đặc biệt, sán lá gan nhỏ có thể gây ung thư đường mật, ung thư tụy.