Gần 30% dân số thiếu máu do thiếu sắt, cách phòng ngừa để không mắc bệnh

Theo thống kê, thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến khoảng 1,62 tỷ người, chiếm khoảng 24,8% dân số thế giới. Cần biết cách phòng ngừa và phát hiện sớm.

Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở các nước đang phát triển và ở những nhóm dân cư dễ bị tổn thương như trẻ em tuổi dậy thì và phụ nữ mang thai.

TS.BS. Hàn Viết Trung, Phó giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thiếu máu thiếu sắt nặng và kéo dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy tim, thai nhi phát triển kém ở phụ nữ mang thai, hoặc làm trầm trọng hơn các bệnh lý khác.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt

Theo TS.BS. Hàn Viết Trung, thiếu máu thiếu sắt (Iron-Deficiency Anemia) là tình trạng thiếu máu mà nguyên nhân là cơ thể không hấp thu đủ sắt để sản xuất hemoglobin, một loại protein trong hồng cầu giúp vận chuyển oxy.

Điều này dẫn đến giảm số lượng hồng cầu, gây ra các triệu chứng thiếu máu như mệt mỏi, da xanh xao và khó thở.

Dấu hiệu nhận biết bệnh gồm các triệu chứng sau:

- Mệt mỏi, kiệt sức, cảm giác yếu đuối.

-Da nhợt nhạt hoặc xanh xao.

- Khó thở, đặc biệt khi vận động.

- Đau ngực, nhịp tim nhanh hoặc không đều.

- Đau đầu, chóng mặt.

- Móng tay dễ gãy, tóc rụng nhiều.

Biểu hiện của bệnh - Ảnh BSCC

Biểu hiện của bệnh - Ảnh BSCC

Có 4 nhóm nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh thiếu máu, thiếu sắt

Thiếu sắt trong chế độ ăn uống: Không cung cấp đủ sắt từ thực phẩm như thịt, cá, trứng, và rau xanh.

Mất máu: Nguyên nhân phổ biến nhất là kinh nguyệt kéo dài hoặc băng kinh ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, chảy máu đường tiêu hóa (trĩ, loét dạ dày chảy máu, chảy máu chân răng hay chảy máu cam kéo dài,…).

Khả năng hấp thu sắt kém: Các bệnh lý đường ruột như bệnh celiac, hoặc sau phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, ruột.

Nhu cầu sắt tăng cao: Thường gặp ở trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai, hoặc cho con bú.

Theo TS.BS. Hàn Viết Trung: Những nhóm người có nguy cơ mắc chứng thiếu máu, thiếu sắt bao gồm:

- Phụ nữ: Đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ có kinh nguyệt nhiều.

- Trẻ em: Đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ em tuổi dậy thì có nhu cầu sắt cao để phát triển.

- Người già: Có thể có chế độ ăn uống thiếu hụt sắt (hạn chế ăn thịt do vấn đề răng miệng), hoặc gặp khó khăn trong việc hấp thu sắt.

- Người có bệnh lý mãn tính: Như bệnh viêm loét đại tràng, hoặc bệnh lý về thận.

- Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới vì phụ nữ bị mất máu qua kinh nguyệt và nhu cầu sắt tăng trong thai kỳ.

Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

- Suy tim: Tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, dẫn đến suy tim.

- Biến chứng thai kỳ: Sinh non, nhẹ cân, và biến chứng sau sinh.

- Giảm năng suất lao động và học tập: Do mệt mỏi, giảm khả năng tập trung và trí nhớ.

Cách phòng ngừa để không mắc bệnh

TS.BS. Hàn Viết Trung: Để phòng ngừa bệnh, chúng ta nên lựa chọn chế độ ăn uống hợp lý, cụ thể như sau:

- Chế độ ăn giàu sắt: Bổ sung thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan, hải sản, rau xanh (rau họ cải), đậu, và ngũ cốc nguyên hạt.

- Sử dụng thực phẩm giàu vitamin C: Kết hợp với bữa ăn giúp tăng cường hấp thu sắt.

- Tránh sử dụng các chất ức chế hấp thu sắt: Như trà, cà phê trong bữa ăn.

- Phụ nữ mang thai: Nên bổ sung sắt theo hướng dẫn của bác sĩ.

TS.BS Hàn Viết Trung thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa khám bệnh theo yêu cầu, nhà K1 - Bệnh viện Bạch Mai

TS.BS Hàn Viết Trung thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa khám bệnh theo yêu cầu, nhà K1 - Bệnh viện Bạch Mai

Để sàng lọc, phát hiện sớm bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh làm các xét nghiệm sau

-Xét nghiệm máu toàn phần (CBC): Để xác định mức độ hồng cầu, hemoglobin và hematocrit.

- Xét nghiệm sắt huyết thanh: Để đo lượng sắt trong máu.

- Ferritin: Đánh giá dự trữ sắt trong cơ thể.

-Transferin: Đánh giá khả năng vận chuyển sắt của cơ thể.

Nếu không may bị thiếu máu, thiếu sắt thì đầu tiên, chúng tôi khuyên người bệnh điều chỉnh chế độ ăn: Bổ sung thực phẩm giàu sắt và vitamin C.

Trong trường hợp cần thiết có thể bổ sung sắt bằng cách dùng viên sắt hoặc các dạng bổ sung sắt qua đường uống hoặc truyền (đường truyền chỉ dùng tại cơ sở y tế vì nguy cơ dị ứng hoặc phản vệ) và phải có chỉ định của bác sĩ.

Truyền máu chỉ được sử dụng trong trường hợp thiếu máu thiếu sắt nghiêm trọng hoặc việc bổ sung sắt không hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta cần tìm hiểu và điều trị nguyên nhân gốc rễ. Ví dụ như điều trị các bệnh lý gây mất máu hoặc khả năng hấp thu sắt kém.

“Mỗi người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần. Cần đảm bảo chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, giàu sắt và vitamin C hoặc chủ động bổ sung sắt đường uống phù hợp với giai đoạn phát triển, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai và trẻ em.

Không tự ý bổ sung sắt: Trừ khi có chỉ định của bác sĩ, vì thừa sắt cũng có thể gây hại cho sức khỏe.

Tham khảo ý kiến bác sĩ: Khi có dấu hiệu mệt mỏi, da xanh xao, hoặc các triệu chứng nghi ngờ khác, nên đi khám và tư vấn kịp thời.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ thiếu máu thiếu sắt, nên đến các cơ sở y tế như bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế cộng đồng và gặp bác sĩ chuyên khoa Huyết học hoặc Nội tổng quát để được tư vấn và chẩn đoán chính xác.” - TS.BS. Hàn Viết Trung khuyên

Theo VietnamDaily
back to top