Hỏi: Tôi bị đau khớp, chụp phim bác sĩ cho biết, có hình ảnh gai xương và chẩn đoán bị thoái hoá khớp. Xin hỏi, gai xương là gì? Nó có nguy hiểm gì không?
Lê Thị Thanh (Hà Nội)
PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: Bản chất của gai xương là hình ảnh canxi hoá tổ chức sụn tái cấu trúc trong bệnh lý thoái hóa khớp.
Sụn khớp là mô dạng nửa cứng, có vai trò bảo vệ các đầu xương, có tính đàn hồi và phân chia lực tác động khi truyền qua các khớp. Trong quá trình sinh hoạt làm việc, có nhiều yếu tố gây tổn thương lớp sụn này như chấn thương hay bệnh lý, trong đó thường gặp nhất là bệnh lý thoái hoá khớp.
Sự tổn thương lớp sụn do phải chịu lực tải trong quá trình truyền lực qua khớp (vì vậy nên hay gặp các khớp ở chân hơn ở tay) và sự lão hoá của sụn theo tuổi.
Cơ thể có khả năng tự sửa chữa các tổn thương nên khi có tổn thương sụn sẽ có quá trình tăng sinh, tái cấu trúc bù vào chỗ sụn tổn thương. Tuy nhiên, sụn tổn thương thường ở vị trí tỳ đè nên khả năng mọc lại sụn ở vị trí cũ khó khăn vì vậy thường hình thành nên các cấu trúc sụn ở các vùng rìa của khớp, tức là các vùng không tỳ đè, sau đó quá trình lắng đọng canxi làm xuất hiện các hình ảnh quan sát thấy trên phim X-quang gọi là gai xương.
Như vậy, hình ảnh gai xương trong bệnh lý thoái hóa khớp là 1 trong các hình ảnh gián tiếp đánh giá mức độ nặng của thương tổn thoái hóa khớp. Gai xương càng lớn, càng nhiều thì mức độ thoái hoá càng nặng