Em chọn ngành này vì… bố mẹ có ‘quan hệ’

Khối Giáo dục phổ thông bên cạnh việc trang bị tri thức còn phải có sứ mệnh giúp người học hiểu được mong muốn và năng lực bản thân, để từ đó định hình mục tiêu phù hợp.

Tháng 4 này, hoạt động đăng ký kỳ thi THPT Quốc gia và nguyện vọng xét tuyển đại học – cao đẳng năm 2019 chính thức bắt đầu. Học sinh cả nước sẽ có 20 ngày để suy nghĩ và đưa ra sự lựa chọn quan trọng cho tương lai. Vấn đề chọn trường, chọn ngành sao cho phù hợp lại được đặt ra. 

Những năm qua, các trường THPT bắt đầu quan tâm và chú trọng đến hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Hoạt động này cũng thu hút sự tham gia nhiệt tình của các trường đại học với mục đích chính là thu hút thí sinh ứng tuyển. Nhận thức của phụ huynh và học sinh về định hướng nghề nghiệp đã bắt đầu có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. 

Tuy nhiên, thông qua quan sát thực tiễn và trải nghiệm của bản thân, tôi cho rằng quá trình chuyển biến trong nhận thức và hành động của những người trong cuộc còn rất chậm. Những lối suy nghĩ lỗi thời, một chiều vẫn còn tồn tại phổ biến. 

Những mông lung, mơ hồ, lãng phí 

Mùa tuyển sinh năm 2018, cả nước có 925.792 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia nhưng có đến 74,3% trong số này nộp hồ sơ tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Điều này cho thấy, vào đại học vẫn là lựa chọn ưu tiên đối với đa số học sinh. 

Nhưng khi hỏi tại sao lại chọn học đại học mà không phải lựa chọn khác, như học nghề thì câu trả lời nhận lại thường rất mơ hồ. Nhiều bạn bày tỏ việc không thích học nghề vì không nhìn thấy tương lai tốt đẹp ở đó, cho rằng trường nghề vẫn là lựa chọn của đa số những học sinh yếu kém và không đỗ đạt. Hệ quả của việc này tác động mạnh mẽ đến chất lượng lao động lành nghề.  

Em chọn ngành này vì… bố mẹ có ‘quan hệ’
Mông lung về bản thân khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, khi ra trường, tương lai của nhiều sinh viên cũng trở nên mông lung. Ảnh minh họa

Có nhiều lý do cho sự mơ hồ về tương lai khi học trường nghề và một số nhận thức sai về hoạt động đào tạo nghề của học sinh lẫn phụ huynh. Một phần là do cách thức dạy và học ở phổ thông hiện nay đã không tạođược hứng thú, động lực để học sinh thích học nghề. Một phần đến từ tâm lý trọng bằng cấp, nặng nề khoa cử ở ta. 

Những năm qua một số trường nghề bắt đầu tạo nên thương hiệu và uy tín, không ít người tốt nghiệp trung cấp nghề vẫn thành công trong xã hội. Thế nhưng, nhìn trên bình diện tổng thể, hệ thống trường nghề vẫnchưa xây dựng được hệ giá trị cốt lõi và thiếu giải pháp đột phá để thu hút học sinh lẫn phụ huynh. 

Một số học sinh có mong muốn học nghề thì lại gặp phải lực cản từ gia đình, áp đặt các em phải chạy đua vào đại học. Nhiều phụ huynh khẳng định với tôi, thời này mà không có được tấm bằng cử nhân thì tệ lắm. 

Một số em tâm sự, em cố gắng học cho xong để lấy bằng cử nhân cho ba mẹ, rồi quay lại học nghề mà mình yêu thích. Vậy là các em chấp nhận lãng phí bốn năm trên giảng đường đại học, đi học không phải cho chính mình, chỉ vì tấm bằng và làm hài lòng phụ huynh. 

Trao đổi với rất nhiều học sinh lẫn sinh viên năm nhất, tôi nhận thấy đa số các em rất mông lung với ba điều: hiểu mình, hiểu nghề, hiểu nhu cầu của thị trường lao động. Thật đáng suy nghĩ khi đây là những thành tố cốt lõi cần xem xét cho quyết định về nghề nghiệp. 

Điều các em mông lung nhất chắc là việc hiểu mình. Dường như, nhiều em bỏ quên ước mơ, mong muốn của mình khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh. Không có nhiều em hiểu được điểm mạnh, điểm yếu hay năng khiếu của mình. 

Có lần tôi hỏi một em sinh viên: “Ước mơ của em là gì?”. Em ấy đã bật khóc, nói rằng đây là lần đầu tiên trong đời có người hỏi em ấy một cách nghiêm túc câu hỏi này. Chính em ấy cũng chưa bao giờ cho mình cơ hội để tìm kiếm câu trả lời. Vòng quay áp lực học tập, thi cử khiến em ấy bỏ quên chính mình. 

Hướng nghiệp đừng để “bắc nước đuổi gà” 

Tôi từng làm một cuộc khảo sát nhỏ trong những lớp tôi giảng dạy tại nhiều trường, kết quả thu được cũng đáng suy ngẫm về những nguyên nhân chọn ngành học, chọn trường. Một bộ phận không nhỏ những em được hỏi thưa rằng, quyết định của các em xuất phát từ những tính toán rất thực tế của phụ huynh. 

Có em chọn ngành này vì mối quan hệ sẵn có của ba mẹ, ra trường sẽ có người lo chỗ làm tử tế. Hay chọn trường nọ vì gần bà con, tiện sinh hoạt và an toàn. Hay đơn giản hơn, em có mặt ở đây là vì nhóm bạn em ai cũng đăng ký nguyện vọng tại trường này. Rồi có trường hợp nộp nguyện vọng vào trường vì ở đó có thần tượng. Thậm chí, do điểm thi chỉ phù hợp với lựa chọn này. Không ít trường hợp phó thác cho sự hên xui, may rủi. Có em thì lý giải bằng một chữ “duyên”. 

Không ít các em học sinh đang ứng xử rất cảm tính đối với tương lai của chính mình. Có rất nhiều lý do để đưa đến quyết định, nhưng những yếu tố cốt lõi nhất lại không được đặt vào trọng tâm. 

Mỗi năm, khi đến giai đoạn này, những vấn đề định hướng nghề mới thật sự trở nên sôi nổi. Lẽ ra, hoạt động giáo dục hướng nghiệp phải được triển khai một cách bài bản tại các trường phổ thông từ năm đầu cấp. Vì đây phải là quá trình phải diễn ra liên tục mới mong đạt được kết quả. 

Thật tiếc, nhiều năm qua, các trường phổ thông không có điều kiện, nguồn lực để làm điều này, dẫn đến tình trạng “bắc nước đuổi gà” muộn màng. 

Nền giáo dục phổ thông bên cạnh việc trang bị tri thức còn phải có sứ mệnh giúp người học hiểu được mong muốn và năng lực bản thân, để từ đó định hình mục tiêu phù hợp. Muốn vậy, hoạt động giáo dục hướng nghiệp cần phải được đánh giá đúng vai trò và đặt đúng vị trí. 

Không thể tiếp tục xem giáo dục hướng nghiệp là hoạt động ngoại khóa. Đây phải là một hoạt động song song với hoạt động đào tạo của nhà trường. Muốn vậy, nhân sự định hướng nghề nghiệp không thể là thầy cô giáo kiêm nhiệm với vài cuốn tư vấn tuyển sinh trong tay và hoạt động thời vụ như hiện nay.  

Ngành giáo dục cần cho phép một số biên chế với đãi ngộ tốt cho nhân sự chuyên trách, được đào tạo bài bản về ngành nghề có liên quan như tâm lý, xã hội học, quản trị nguồn nhân lực. Lực lượng này không tham gia giảng dạy, họ đóng vai trò đồng hành, tư vấn, định hướng và tổ chức hoạt động nhằm giúp sinh viên nhận biết vấn đề cốt lõi, trọng tâm để đi đến quyết định cho tương lai. 

Xin hãy bắt đầu định hướng nghề nghiệp cho các em bằng câu hỏi: “ước mơ của con/em là gì?”! 

Lưu Minh Sang

Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM 

Theo vietnamnet.vn
back to top