[e-Magazine] Hà Nội vào mùa ô nhiễm không khí

Gần một tháng trở lại đây, chất lượng không khí (AQI) Hà Nội ở mức cảnh báo đỏ, chỉ số bụi mịn PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép và thậm chí, có những ngày, Thủ đô thuộc top thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
[e-Magazine] Ha Noi vao mua o nhiem khong khi… nguy hai suc khoe nguoi dan
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã chỉ ra nguyên nhân cũng như đưa ra những giải pháp.
[e-Magazine] Ha Noi vao mua o nhiem khong khi… nguy hai suc khoe nguoi dan-Hinh-2

Chất lượng không khí (AQI) Hà Nội thời gian gần đây luôn ở mức cảnh báo đỏ, chỉ số bụi mịn PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép, điều này cho thấy hiện trạng ô nhiễm ở Hà Nội rất báo động, là chuyên gia thường xuyên theo dõi các chỉ số chất lượng không khí của Thủ đô, theo ông nguyên nhân do đâu?

TS. Hoàng Dương Tùng: Tôi thường có thói quen theo dõi chỉ số AQI của Hà Nội mỗi ngày. Có thể thấy, chất lượng không khí Hà Nội diễn biến khá phức tạp, thay đổi theo năm, theo mùa thậm chí theo ngày, giờ. Thực tế có nhiều ngày rất đáng quan ngại.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên đã được các cơ quan chức năng như Bộ TNMT, UBND TP Hà Nội và các nhà khoa học chỉ ra, đó là việc chúng ta kiểm soát chưa tốt các nguồn thải, trong đó Hà Nội đã nhận diện ra 5 nguồn thải chính gây ô nhiễm không khí gồm: Phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp.

Trong đó, nguồn phát thải lớn nhất là hoạt động giao thông khi Hà Nội hiện có 1,1 triệu ô tô, hơn 6,9 triệu xe máy, 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn. Phương tiện giao thông cá nhân, công cộng chạy bằng nguyên liệu hóa thạch rất nhiều, nhiều phương tiện không được kiểm soát và ngày càng gia tăng, gây ô nhiễm môi trường. Nguồn phát thải thứ hai từ các hoạt động sản xuất công nghiệp. Hà Nội có 10 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề cùng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lân cận. Ngoài ra, các nguồn phát thải khác như đốt phụ phẩm nông nghiệp, chiếm khoảng 13% vào tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội; các nguồn như xây dựng, đốt rác, y tế và hoạt động dân sinh khác đóng góp khoảng 10% vào tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Bên cạnh đó, hiện chúng ta vẫn còn một số hạn chế trong quản lý chất lượng không khí như hệ thống pháp luật hiện hành trong quản lý chất lượng không khí chưa đủ, chưa cụ thể tới từng loại hình, từng ngành để có thể theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế xã hội; khoảng cách giữa quy định và triển khai thực tế còn cách xa nhau. Mặc dù đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, vấn đề ô nhiễm không khí "dường như chỉ ở trung ương hoặc cùng lắm là các tỉnh nhắc đến, các quận huyện nơi trực tiếp phát sinh thì không mấy quan tâm. Nhiều nơi không nắm được vấn đề gây ô nhiễm nhất của mình là gì để có giải pháp phù hợp…

[e-Magazine] Ha Noi vao mua o nhiem khong khi… nguy hai suc khoe nguoi dan-Hinh-3

Các điểm ô nhiễm không khí ở mức xấu, nguy hại nhất tập trung ở quận, huyện nào?

TS. Hoàng Dương Tùng: Đặc điểm của ô nhiễm không khí là có thể lan rộng và ảnh hưởng một vùng xung quanh. Do đó, nói ở vùng nào thấp hay cao, xấu hay nguy hại cũng rất khó. Bởi có lúc cao lúc thấp tùy từng thời điểm. Do đó các nhà quản lý phải xác định xem chỗ cao đột xuất nguyên nhân vì sao để có thể đưa ra giải pháp giải quyết. Nhiều huyện ngoại thành chất lượng môi trường không khí rất tốt. Tôi đề nghị cần phải có các biện pháp khác nhau ở trong các quận nội thành và các huyện ngoại thành chứ không thể đồng nhất.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có 40% dân số (khoảng 3,5 triệu người) bị ảnh hưởng bởi nồng độ bụi trên 45 µg/m3, gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO. Bụi mịn PM 2.5 được coi là tử thần trong không khí, có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, vì vậy khuyến cáo cấp thiết với người dân, nhất là đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em?

TS. Hoàng Dương Tùng: Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đã khuyến cáo, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức kém (AQI ở mức 101 - 150), người dân giảm thời gian hoạt động ngoài trời, nhất là đối với những người có triệu chứng đau mắt, ho, đau họng; hạn chế hoặc tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao như đường phố, các điểm giao cắt giao thông, các công trình xây dựng, khu vực sản xuất công nghiệp, làng nghề và các khu vực ô nhiễm khác…Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI ở mức 151 - 200), người dân hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động vận động cần gắng sức; tránh các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao; tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí cần vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường.

Đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh về đường hô hấp…), tránh các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động vận động cần gắng sức; tập thể dục trong nhà; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng…

[e-Magazine] Ha Noi vao mua o nhiem khong khi… nguy hai suc khoe nguoi dan-Hinh-4

Đến hẹn…mùa ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường vào mùa Đông, từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động ở ngưỡng từ 101 (mức kém) đến dưới 200 (mức xấu), một số ngày vượt ngưỡng 200 (mức rất xấu), gây hại cho sức khỏe. Giải pháp nào trả lại bầu không khí trong lành cho Thủ đô?

TS. Hoàng Dương Tùng: Các nhà chức trách đã đưa ra rất nhiều giải pháp.Trong đó, về ngắn hạn, Hà Nội cũng đã thực hiện một số biện pháp giảm thiểu bụi đường như rửa đường, tăng cường thông tin cho người dân, đẩy mạnh hệ thống xe bus, xe taxi chạy điện; bắt đầu từ năm 2025, kiểm soát khí thải xe máy; nâng cao các tiêu chuẩn, đẩy mạnh phương tiện giao thông xanh. Đồng thời, Hà Nội cũng đang kiểm soát các cơ sở sản xuất. Theo tôi, Hà Nội cũng nên học Bắc Ninh kiểm soát từ các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm từ các làng nghề tái chế. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang áp dụng các biện pháp giảm đốt rơm rạ. Tuy nhiên, cần phải có sự quyết tâm, quyết liệt hơn nữa.

Không chỉ là thông qua các Nghị quyết, Chỉ thị mà cần thêm các giải pháp cùng các nguồn lực đi kèm. Kinh nghiệm nhiều thành phố lớn trên thế giới như Bắc Kinh, ngoài giải pháp, họ cũng đưa ra các chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Hà Nội cũng cần có những chính sách như vậy chứ không chỉ hô hào khẩu hiệu.

Ở góc độ chuyên gia, tôi cho rằng, các giải pháp chính giảm thiểu ô nhiễm không khí là đầu tư vào hệ thống giao thông xanh; tăng cường kiểm soát khí thải từ các nguồn chính như nhà máy, công trình xây dựng và phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề ô nhiễm không khí cũng đóng vai trò quan trọng.

Bên cạnh một số biện pháp tăng chất lượng không khí, Hà Nội có chiến lược quản lý chất thải bền vững như: nâng cao năng lực xử lý chất thải, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại và tái chế thế nào?

TS. Hoàng Dương Tùng: Hà Nội hiện cũng đang triển khai một số việc để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường như phân loại rác tại nguồn, quản lý rác thải, chất thải tốt hơn nữa, tăng cường tái chế, tái sử dụng. Hà Nội vừa qua cũng cho xây dựng nhà máy đốt rác, phát điện, tôi nghĩ điều này rất tốt để giải quyết dứt điểm các bãi chôn lấp. Tuy nhiên, cần phải đầu tư thêm về công nghệ xử lý chất thải thực phẩm. Bây giờ thực hiện phân loại rác tại nguồn thì rác thực phẩm sẽ phải xử lý riêng nhưng hiện đều vướng về các hạ tầng để xử lý ở quy mô lớn. Do đó Hà Nội nên khuyến khích để xử lý rác thực phẩm và có biện pháp cụ thể hơn cho việc phân loại rác tại nguồn.

Xin cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi trên!

[e-Magazine] Ha Noi vao mua o nhiem khong khi… nguy hai suc khoe nguoi dan-Hinh-5
Theo Đời sống
back to top