<div> <p>Sáng 14/11, với 437/441 đại biểu tán thành (90,48%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.</p> <p>Theo đó, tổng số thu ngân sách Trung ương năm 2020 là hơn 851 nghìn tỷ. Tổng số thu ngân sách địa phương là hơn 660 nghìn tỷ.</p> <p>Quốc hội cũng quyết chi ngân sách Trung ương là hơn 1 triệu tỷ, trong đó dự toán hơn 367 nghìn tỷ để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.</p> <p>Đáng chú ý, chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế đã giảm so với năm trước, còn <abbr class="rate-vnd">14.600 tỷ đồng</abbr> (năm 2019 dự toán 16.200 tỷ).</p> <p>Quốc hội cũng quyết định năm 2020 chi trả nợ lãi 115.400 tỷ, chi thường xuyên gần 480.000 tỷ. Mức chi cho đầu tư phát triển là 220.000 tỷ, chi hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể là 55.066 tỷ.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Chi ngan sach Trung uong hon 1 trieu ty nam 2020 hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/30/73107165_980826848941292_6361259599495954432_n.jpeg.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Tỷ lệ đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Ảnh:<em> H.Vũ.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết trong điều kiện thu ngân sách còn khó khăn, nguồn thu ngân sách Trung ương phụ thuộc nhiều từ thu dầu thô, thu hoạt động xuất nhập khẩu và nguồn thu phân chia giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương đang có xu hướng giảm, thì việc Chính phủ dự kiến bố trí <abbr class="rate-vnd">220.000 tỷ đồng</abbr> cho chi đầu tư phát triển, tương ứng tỷ lệ tăng 11,7% so với dự toán năm 2019 đã thể hiện nỗ lực trong công tác điều hành ngân sách Nhà nước.</p> <p>“Tuy nhiên, sau khi loại trừ các khoản chi cụ thể, thì nguồn phân bổ còn lại của ngân sách Nhà nước chỉ khoảng <abbr class="rate-vnd">112.900 tỷ đồng</abbr>, đây là mức thấp so với yêu cầu phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương”, ông Hải nói.</p> <p>Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách Trung ương và tổ chức rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các Chương trình mục tiêu để ngân sách Trung ương trong giai đoạn ổn định ngân sách 2021 - 2025 sẽ tập trung đủ nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi của quốc gia.</p> <p>Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước vẫn đang là vấn đề “nóng” trong thời gian qua. Nếu như năm 2015 tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ đạt 64,8%, đến năm 2019 chỉ đạt 49,1%.</p> <p>Trước thực tế này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát quy trình, thủ tục, tập trung vào các điểm nghẽn, có nhiều vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến thời hạn phân bổ, giao kế hoạch vốn và giải ngân để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.</p> </div>