<div> <p>Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là người thay mặt Chính phủ ký báo cáo việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống giao thông đường sắt gửi tới Quốc hội.</p> <p>Thông tin trong báo cáo gây chú ý ở nội dung cập nhật về các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM. Tại Hà Nội, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện đầu tư tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) giai đoạn 1, tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông), chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).</p> <p>Dự kiến tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay dự án chưa được đưa vào khai thác.</p> <p>Tại TPHCM, Chính phủ đang chỉ đạo UBND thành phố thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2, Bến Thành - Tham Lương). Hai dự án đang thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư, sau khi đã xin ý kiến Bộ Chính trị.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài thêm 20km tới Xuân Mai - 1" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/10/22/duong-sat-cat-linh-ha-dong-1571727380441.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/16/duong-sat-cat-linh-ha-dong-1571727380441.jpg" title="Đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài thêm 20km tới Xuân Mai - 1" /> <figcaption>Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể khai thác sau nhiều lần phải gia hạn.</figcaption> </figure> <p>Về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tại quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội và TPHCM, dự kiến tại Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm với chiều dài 305 km được xây dựng.</p> <p>Quy hoạch cũng đề ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng kéo dài các tuyến để kết nối với các đô thị vệ tinh đồng thời quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.</p> <p>Theo quy hoạch này, tuyến đường sắt số 2A (Cát Linh – Hà Đông) sẽ được kéo dài từ Hà Đông đến Xuân Mai, chiều dài khoảng 20 km, theo hướng Quốc lộ 6, bố trí depot tại Xuân Mai.</p> <p>Tuyến số 3 từ Nhổn đi đô thị vệ tinh Sơn Tây kéo dài theo hướng Quốc lộ 32, chiều dài khoảng 30 km, bố trí depot tại Sơn Tây.</p> <p>TPHCM sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô với chiều dài khoảng 173 km, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail) với chiều dài khoảng 57 km.</p> <p>Các dự án này sẽ đáp ứng khoảng 15 - 20% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và TPHCM.</p> <p>Hiện nay, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và UBND TPHCM đang tích cực triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, đồng thời tạo nên dáng dấp đô thị hiện đại tại Hà Nội và TPHCM.</p> <p>Về vấn đề nguồn lực để thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại 2 thành phố lớn nhất cả nước giai đoạn vừa qua, báo cáo nêu con số tổng cộng xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội đã thu xếp 12.750 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với 2 dự án (tuyến số 2 và tuyến số 3). TPHCM rót 17.200 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với 2 dự án (tuyến số 1, tuyến số 2).</p> <p>Dù tiến độ các dự án đường sắt đô thị tại hai thành phố, Chính phủ vẫn khẳng định phải ưu tiên tập trung nguồn lực để hoàn thành các dự án đang triển khai trên các địa bàn này.</p> <div> <p><strong>8 tuyến đường sắt xuyên tâm Hà Nội</strong></p> <p><strong>Tuyến số 1 </strong>gồm 2 nhánh: Ngọc Hồi - Ga trung tâm Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên và Gia Lâm - Dương Xá (Phú Thụy). Tuyến đi trên cao, có xem xét phương án đi kết hợp giữa đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia. Chiều dài tuyến khoảng 36 km, tổng số ga được bố trí là 23 ga và 02 depot tại Ngọc Hồi và Yên Viên.</p> <p><strong>Tuyến số 2</strong>: Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Hoàng Quốc Việt với chiều dài khoảng 42 km, tuyến đi trên cao Nội Bài - đường Hoàng Quốc Việt và đi ngầm trên đoạn còn lại với tổng số 32 ga và 02 depot tại Xuân Đỉnh và Phủ Lỗ. Tuyến này được tổ chức chạy tàu vành đai kết hợp hướng tâm.</p> <p><strong>Tuyến số 2A</strong>: Cát Linh - Ngã tư Sở - Hà Đông với chiều dài khoảng 14 km, tuyến đi trên cao với tổng số 12 ga và 1 ga depot tại Yên Nghĩa.</p> <p><strong>Tuyến số 3</strong>: Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai với chiều dài khoảng 26 km, tuyến đi trên cao đoạn Trôi - Cầu Giấy và chủ yếu đi ngầm trên đoạn còn lại với tổng số 26 ga. Giai đoạn 1 xây dựng đoạn từ Nhổn - ga Hà Nội với 12 ga và 1 depot tại Nhổn.</p> <p><strong>Tuyến số 4</strong>: Mê Linh - Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Vành đai 2,5 - Cổ Nhuế - Liên Hà với chiều dài khoảng 54 km. Đoạn từ Mê Linh - Đông Anh - Sài Đồng - vượt sông Hồng - Vĩnh Tuy - Thượng Đình được quy hoạch đi cao, từ Thượng Đình - Hoàng Quốc Việt được quy hoạch đi ngầm, đoạn từ Hoàng Quốc Việt - Liên Hà quy hoạch đi trên cao. Tổng số ga trên tuyến 41 ga và 2 depot tại Liên Hà (Đan Phượng) và Đại Mạch (Đông Anh). Tuyến số 4 kết nối với các tuyến số 1, số 2A, số 3 và số 5. Đoạn đi dọc đường Vành đai 2,5 tuyến số 4 xem xét đi trùng ray với tuyến số 2 và tổ chức chạy tầu phù hợp. Giai đoạn đầu khi chưa xây dựng đường sắt đô thị bố trí xe buýt nhanh trên từng đoạn.</p> <p><strong>Tuyến số 5</strong>: Đường Văn Cao - Ngọc Khánh - Đại lộ Thăng Long - Vành đai 4 - Hòa Lạc với chiều dài khoảng 39 km. Đoạn từ Nam Hồ Tây - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - Trung tâm Hội Nghị Quốc gia đi ngầm, đoạn tiếp theo đi trên mặt đất hoặc đi trên cao trong phạm vi dải phân cách giữa của Đại lộ Thăng Long. Tổng số ga trên tuyến 17 ga và 2 depot tại Sơn Đồng (Hoài Đức) và Hòa Lạc.</p> <p><strong>Tuyến số 6</strong>: Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi với chiều dài khoảng 43 km. Tuyến được xây dựng trên cơ sở tuyến đường sắt vành đai phía Tây hiện tại và quy hoạch là tuyến đi trên cao hoặc đi trên mặt đất với tổng số 29 ga và 2 depot tại Ngọc Hồi và Kim Nỗ.</p> <p><strong>Tuyến số 7</strong>: Mê Linh - Đô thị mới Nhổn - Vân Canh - Dương Nội với chiều dài khoảng 28 km, tuyến đi trên cao toàn bộ hoặc đi trên cao kết hợp đi ngầm trong đoạn đô thị Đông Vành đai 4, với tổng số 23 ga và 1 depot tại Mê Linh.</p> <p><strong>Tuyến số 8</strong>: Sơn Đồng - Mai Dịch (trung chuyển với tuyến số 2) - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá với chiều dài khoảng 37 km. Đoạn từ Sơn Đồng - Mai Dịch quy hoạch đi trên cao, đoạn tuyến đi theo Vành đai 3 đến Lĩnh Nam đi ngầm, đoạn tuyến từ Lĩnh Nam - vượt sông Hồng - Dương Xá đi trên cao. Tổng số ga trên tuyến 26 ga và 2 depot tại Sơn Đồng và Cổ Bi. Trên tuyến có thể sử dụng xe buýt nhanh từng đoạn phụ thuộc vào lưu lượng giao thông của các giai đoạn.</p> </div> <p><strong>Phương Thảo </strong></p> </div> <p> </p>