<div> <p>Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi văn bản hoả tốc xin ý kiến Thủ tướng việc đã đến hạn trả nợ gốc khoản vay lại của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.</p> <p>Theo cơ chế tài chính đã được Thủ tướng chấp thuận, Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của dự án và các khoản chi phí liên quan trong giai đoạn xây dựng tới khi hoàn thành và bàn giao cho UBND TP Hà Nội. Sau khi bàn giao, UBND TP Hà Nội nhận nợ trực tiếp với phần vốn vay lại của dự án.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử nghiệm. Ảnh: Giang Huy" src="https://khds.1cdn.vn/2020/01/15/cat-linh-hd500-8035-1580902765.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử nghiệm. Ảnh: <em>Giang Huy</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Tuy nhiên hiện chưa xác định chính xác thời gian hoàn thành, bàn giao cho UBND TP Hà Nội. Ban quản lý dự án dự kiến phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại trong năm 2020 khoảng 152,7 tỷ đồng. Trước đó, Việt Nam cũng đã trả 398 tỷ đồng nợ gốc của khoản vay này. </p> <p>Theo Bộ Giao thông Vận tải, ban quản lý dự án cũng đề xuất phương án giãn nợ đến khi hoàn thành, bàn giao khoản vay cho UBND TP Hà Nội hoặc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để tiếp tục trả nợ. Tuy nhiên, gia hạn thời gian trả nợ gốc có khó khăn trong quá trình hoàn thiện các thủ tục gửi cơ quan được ủy quyền cho vay lại. Trong khi đó, việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để bổ sung vối đối ứng bố trí trả nợ gốc cũng chưa phù hợp với kết luận của Kiểm toán Nhà nước. </p> <p>Hiệp định vay 250 triệu USD đã đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại. Do đó, cơ quan này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại. Trường hợp không được, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước để gỡ thủ tục trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của dự án.</p> <p>Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các hiệp định vay đã ký. </p> <p>Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông khởi công năm 2011, sau khi Việt Nam ký kết với Trung Quốc vay vốn tài trợ theo Hiệp định khung vào năm 2008. Đến nay, dự án đã ký 3 hiệp định vay gần 670 triệu USD từ Trung Quốc.</p> <p>Bên tài trợ vốn chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Đơn vị tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu và đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.</p> <p>Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa được khai thác thương mại. Trong cuộc họp cách đây vài ngày, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết hơn 100 chuyên gia Trung Quốc của dự án Cát Linh - Hà Đông <span>chưa thể quay lại Việt Nam</span> sau đợt nghỉ Tết do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán. Do đó, dự án vẫn tiếp tục bị chậm tiến độ. </p> <p> </p> </div> <p> </p>