Con đường dài khoảng 800m, nối liền hai đảo trong dãy đảo Điệp Sơn; uốn lượn trong làn nước xanh ngọc. Vẻ đẹp của nó được ví như con đường nối liền hai đảo Jindo và Modo nổi tiếng của Hàn Quốc.
Thời điểm đẹp và thuận lợi nhất để thăm đảo Điệp Sơn, khám phá con đường độc đáo này là từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau. Khi đó, tiết trời khô ráo, ít mưa, nắng đẹp và không quá nóng. Hơn nữa, biển lặng, sóng êm giúp tàu thuyền có thể di chuyển dễ dàng và an toàn cho du khách, tránh nguy cơ bị say sóng.
Đi bộ trên đảo Điệp Sơn. Ảnh Cẩm Nhi. Wiki Travel |
Đảo Điệp Sơn có gì hấp dẫn?
Chinh phục con đường cát trắng giữa biển có “1 - 0 - 2” dài gần 1km: Thời điểm tốt nhất để khám phá con đường mòn giữa biển này là khi thủy triều xuống. Con đường uốn lượn, rộng khoảng 1m, nằm dưới mặt nước biển trong xanh chưa đến nửa mét. Nhìn từ xa, lớp cát trắng mịn hiện lên giữa biển như một cây cầu tuyệt đẹp nối đến đảo Điệp Sơn. Du khách đi bộ trên con đường này sẽ có cảm giác thích thú, xen lẫn hồi hộp và một chút sợ hãi khi bước giữa đại dương bao la. Làn nước trong xanh giúp người tham quan có cơ hội thỏa thích ngắm nhìn những đàn cá bơi lội tung tăng.
Nếu muốn check-in tại đây, du khách nên tìm hiểu trước thời gian thủy triều xuống. Chẳng hạn, từ ngày 1 đến 15 âm lịch, nước sẽ rút vào buổi chiều. Trong khi đó, từ sau ngày rằm, nước rút vào buổi sáng. Lúc ấy, con đường mới hiện rõ nhất trong mắt mọi người.
Tắm biển: Không ít bạn trẻ trầm trồ, kinh ngạc khi tận mắt chứng kiến làn nước trong veo nhìn thấy tận đáy, phản chiếu mây trời xanh biếc. Dù đi dạo bên bờ biển hay vùng vẫy thỏa thích trong làn nước mát lạnh, bạn đều có thể xua tan căng thẳng để tận hưởng sự bình yên giữa thiên nhiên.
Khám phá cuộc sống thường nhật của người dân trên đảo: Mặc dù đời sống của người dân đảo Điệp Sơn còn thiếu thốn vật chất và rất khó khăn, họ rất thân thiện, giản dị và mến khách. Mỗi buổi chiều, ngư dân sống trên đảo đi thuyền gỗ từ thôn Tân Dân đến Điệp Sơn đánh cá. Đây có lẽ là thời điểm nhộn nhịp nhất ở Điệp Sơn. Sau thời gian này, Điệp Sơn như chìm vào không gian tĩnh lặng, chỉ còn tiếng sóng biển rì rầm, tiếng gió làm xào xạc những hàng dừa cao vút.
Sống ảo bên cây cầu Ngọc Trai: Nổi bật trên nền xanh của biển cả, cầu gỗ Điệp Sơn nằm chênh vênh giữa biển, là nơi để các cặp đôi “sống ảo” độc đáo.
Sống ảo bên cây cầu Ngọc Trai. Ảnh Duy Tùng |
Ngắm nhìn cảnh biển trên đảo Điệp Sơn bằng cano: Đi cano ngắm cảnh biển Vịnh Vân Phong, tham quan các đảo xa của vịnh cũng rất tuyệt. Du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp mênh mông của vịnh, màu biển xanh ngọc tuyệt đẹp, trong vắt.
Chơi gì trên đảo Điệp Sơn?
Đảo Điệp Sơn còn hoang sơ, tự nhiên, chưa có nhiều tác động của du lịch nên những trải nghiệm ở đây cũng mang lại sự gần gũi với thiên nhiên cho du khách.
Trải nghiệm chèo thuyền Kayak: Nếu đi bộ chinh phục con đường biển khiến du khách mệt mỏi, hãy thử dùng thuyền Kayak để khám phá quanh đảo. Đây là hoạt động rất được ưa chuộng, không những giúp nhóm bạn khám phá vẻ đẹp nên thơ của đảo Điệp Sơn, mà còn có thể chia đội để thi đua với nhau cũng vui không kém. Giá thuê Kayak là 250.000 đồng/30 phút, mỗi Kayak chèo được 2 người.
Lặn ngắm san hô: Nếu muốn trải nghiệm, du khách có thể đăng ký dịch vụ lặn ngắm san hô ở đảo Điệp Sơn với giá 200.000 đồng/người, bao gồm áo phao và ống thở, kính lặn.
Chinh phục con đường cát trắng giữa biển có “1 - 0 - 2” dài gần 1km |
Cắm trại ven biển Điệp Sơn: Nếu ở lại qua đêm nhưng không thuê phòng nghỉ mà muốn tận hưởng cảnh biển về đêm tuyệt đẹp, du khách nên mang theo lều trại. Đêm đến, du khách có thể dựng lều gần bờ biển, chuẩn bị một chút đồ nướng để làm tiệc BBQ và ngắm cảnh đêm, nghe tiếng sóng rì rào.
Chụp ảnh với Đại bàng: Trên đảo điệp sơn còn có một dịch vụ rất độc đáo, đó chính là chụp hình với Đại bàng. Mỗi lượt là 50.000 đồng, du khách được tạo kiểu chụp ảnh và quay phim với con đường giữa biển.
Ngoài ra, thưởng thức ẩm thực trên đảo Điệp Sơn là hoạt động không thể bỏ qua. Trên đảo có rất nhiều loại cá, ốc biển tươi ngon, nhưng đã đến đây rồi thì hãy thưởng thức bánh căn Điệp Sơn, bánh xèo tôm mực, cháo bánh quẩy....
Kinh nghiệm du lịch đảo Điệp Sơn
Để khám phá con đường độc đáo tại đảo Điệp Sơn, du khách có thể lựa chọn nhiều loại phương tiện để đến TP Nha Trang (Khánh Hòa), sau đó di chuyển bằng tàu từ cảng Vạn Giã ra đảo Điệp Sơn.
Máy bay:
Từ Hà Nội, du khách có thể lựa chọn bay đến sân bay Tuy Hòa hoặc Cam Ranh. Giá vé từ 1,3 triệu đến 2 triệu đồng/người. Giá có thể tăng hoặc giảm, tùy thời điểm bay và các chương trình ưu đãi mà bạn “săn” được.
Từ TP HCM, khách có thể lựa chọn bay đến sân bay Tuy Hòa hoặc Cam Ranh. Giá vé từ 700.000 đến 900.000 đồng/người.
Đi tàu:
Từ Hà Nội đến Tuy Hòa, giá vé 500.000 đến 1,3 triệu đồng/lượt, sau đó tiếp tục di chuyển khoảng 50 km tới Vạn Giã.
Từ TP HCM đi Nha Trang, vé dao động 180.000 đến 600.000 đồng/lượt, sau đó tiếp tục di chuyển khoảng 50 km tới Vạn Giã.
Xe khách: Lựa chọn thuận tiện nhất để đến đảo Điệp Sơn, vì hiện nay, có khá nhiều hãng xe xuất phát từ Hà Nội hay TP HCM đi qua điểm dừng đúng tại thị trấn Vạn Giã.
Từ Hà Nội: Chi phí khoảng 600.000 - 800.000 đồng/người/lượt và mất khoảng 16 tiếng đi lại.
Từ TP HCM: Chi phí 190.000 đến 250.000 đồng/người/lượt, mất khoảng 8 - 10 tiếng đi lại.
Từ Nha Trang, du khách phải đi tuyến tàu từ cảng cá Vạn Giã ra đảo Điệp Sơn. Giá vé tàu là 200.000 đồng/ người/ khứ hồi 2 chiều. Thông thường, từ 9h, các tàu sẽ khởi hành khi đủ 10 - 20 khách. Chuyến tàu về đất liền sớm nhất khoảng 13h.
Khi đến du lịch đảo Điệp Sơn, du khách cần chú ý chọn thời điểm thích hợp với lịch trình và cảnh đẹp muốn khám phá, cần đặt vé tàu, xe trước khi ra đảo để tránh lỡ chuyến; nên mang sẵn các loại pin dự phòng và đừng quên đem kem chống nắng trong hành lý, nước tẩy trang, xịt khoáng, đồ vệ sinh cá nhân, kem chống côn trùng, mỹ phẩm du lịch, vật dụng y tế, mặt nạ dưỡng ẩm…
Đảo còn khá hoang sơ, chưa phát triển mạnh về du lịch nên du khách tới đây cần chú ý bảo vệ cảnh quan, giữ vệ sinh trong quá trình khám phá, thu gom rác thải cá nhân mang trở về đất liền, chứ không vứt bừa bãi…