Đường kẻ ngang trên kính sau ô tô có tác dụng gì?

Nhiều người cho rằng những đường kẻ ngang trên kính sau ô tô chỉ có tác dụng trang trí. Tuy nhiên, những đường kẻ này mang lại công dụng bất ngờ ít người biết.

Trong quá trình sử dụng ô tô, nếu chú ý quan sát bạn sẽ nhận thấy trên kính chắn gió phía sau ô tô thường có những đường chỉ kẻ ngang song song nhau. Không ít người mới dùng ô tô cho rằng, những đường kẻ này dùng để chống nắng hay trang trí kính chắn gió phía sau.

Thực chất, đường kẻ kính sau ô tô được biết là một phần của hệ thống sấy kính chắn gió sau xe. Khác với kính chắn gió phía trước thường có thiết kế trong suốt để lái xe quan sát đoạn đường phía trước, đảm bảo tầm nhìn cho người lái tránh xảy ra sự cố. Những khe gió được lắp đặt bên dưới có thể thổi hơi nước bám trên kính khi bị mờ.

Tuy nhiên, kính chắn gió phía sau lại khác, nó được lắp đặt một hệ thống được là "lưới điện". Chính là những đường kẻ song song mảnh như sợi chỉ mà mọi người thường thấy. Những đường kẻ này tích hợp trên kính nhằm mục đích sấy kính trong những trường hợp cần thiết.

Hệ thống "lưới điện" trên kính chắn gió sau xe ô tô được làm từ vật liệu niken hoặc vật liệu đồng gắn liền với kính sau ô tô. Khi được sản xuất, hệ thống này đảm bảo nguyên lý hoạt động lưu chuyển dòng điện. Điều này có nghĩa là khi người dùng nhấn nút mở hệ thống sấy kính chắn gió sau, một dòng điện yếu được giải phóng và chạy qua những đường kẻ song song này tạo thành nhiệt giúp làm tan băng hay hơi nước bám trên kính sau ô tô.

Đối với những mẫu ô tô đời cũ, khi sử dụng hệ thống kính chắn gió sau cần lưu ý, nếu kính xe đã được sấy khô, người dùng nên tắt hệ thống điện ngay lập tức. Trong trường hợp người dùng quên tắt hệ thống điện, hơi nóng quá nhiệt có thể làm vỡ kính xe. Với những dòng xe hiện đại ngày nay, hệ thống tự động ngắt đã được trang bị đầy đủ. Sau khi bật chức năng sấy khô kính sau ô tô, khoảng 15-20 phút sau nguồn điện sẽ tự động ngắt.

Ngoài chức năng sấy kính, trên một số dòng ô tô những đường kẻ ngang trên kính sau ô tô còn có chức năng làm ăng-ten bắt sóng radio. Trường hợp này thường thấy trên một số mẫu xe không có ăng-ten vây cá. Các nhà sản xuất có xu hướng gắn ăng-ten vào kính sau để tăng tính thẩm mỹ cho xe.

Theo Đời sống
back to top